Ông chủ Vinaxuki: Tôi bán cả nhà cha cho, nhà của con để trả nợ
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 645
Hôm qua: 2691
Tổng số: 8829600
 

 
 

Cập nhật lúc: 9/26/2016 8:56:42 AM

Nợ chồng nợ, nhà máy đang dần đóng cửa gần hết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - Bùi Ngọc Huyên lại vừa gửi văn bản "cầu cứu" tới Thủ tướng và các cơ quan chức năng.

Tương tự nhiều tâm thư gửi tới lãnh đạo Chính phủ trước đây, trong văn bản dài 17 trang lần này, ông Bùi Ngọc Huyên cảm ơn các vị lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành trong những năm qua đã giúp đỡ, hướng dẫn Vinaxuki cơ cấu lại vốn đầu tư... 

Tuy nhiên, sau những hướng dẫn nêu trên, ông chủ Vinaxuki cho biết khi công ty xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, trả nợ và gửi các ngân hàng đề nghị được tái cơ cấu vốn thì đều bị lãnh đạo cấp cao các ngân hàng từ chối. “Người trực tiếp xét duyệt cho vay là các chi nhánh ngân hàng thương mại lại không có quyền cơ cấu, cho vay; Vinaxuki xin gặp cấp cao của các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank… để trình bày phương án nhưng cũng bị từ chối…”, ông Huyên chia sẻ với VnExpress và cho rằng "lợi ích nhóm" đã khiến những doanh nghiệp sản xuất như ông bị cản đường. 

“Họ cứ khăng khăng muốn tôi bán nhà máy. Tôi cũng không hiểu sao ngân hàng có thể giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp chuyên đi lắp ráp, nhập ôtô về để bán, trong khi chúng tôi – những người nghiên cứu, đầu tư công nghệ cao sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi cho ôtô, sản xuất ôtô mang thương hiệu Việt thì lại bị hắt hủi”, ông Huyên bức xúc.

ong-chu-vinaxuki-toi-da-ban-nha-cha-cho-nha-cua-con-gai-de-tra-no

Ông chủ Vinaxuki tự tin, nếu được cho vay vốn lưu động công ty hoàn toàn có thể vận hành trở lại, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược...

“Họ dùng ngân hàng đè bẹp Vinaxuki vì biết làm gì còn tiền làm vốn. Nhiều nhân viên ngân hàng nói, lãnh đạo một chi nhánh quyết định sai khi không cho Vinaxuki tái cơ cấu và vay vốn làm công ty chết đứng. Khi một ngân hàng từ chối cho vay thì còn ngân hàng nào dám cho vay nữa", ông tiếp lời.

Ông cũng đặt giả thiết: Nếu lúc đó công ty được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hóa thì chắc chắn công ty vẫn duy trì sản xuất và đã trả được hết nợ vay ngân hàng. Bởi theo ông, thị trường ôtô năm 2013, đặc biệt nguồn cung xe tải nặng rất thiếu, giá tăng cao, doanh nghiệp nào cung cấp được sản phẩm ra thị trường là thắng.

"Để có tiền trả nợ, tôi đã phải bán cả nhà do người cha trước khi qua đời di chúc để lại cho, nhà của tôi ở Láng Hạ được Bộ Giao thông vận tải phân cho và cả nhà căn nhà của con gái tôi… Giờ tôi không còn gì, kể cả một mét vuông nhà cũng không còn, hiện tôi đang ở trong nhà khách của công ty…”, ông giãi bày. 

Trước những khó khăn, một lần nữa ông chủ Vinaxuki khẩn thiết đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và vay 200 tỷ vốn lưu động hoặc cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại; tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả VAMC và các ngân hàng.

Giống những bản kiến nghị "cầu cứu" gửi tới Thủ tướng trước đây, lãnh đạo Vinaxuki chỉ đề xuất xin cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và được vay 200 tỷ đồng vốn lưu động để các nhà máy vận hành trở lại và lãi suất vay thương mại, chứ không cần lãi vay ưu đãi nhiều doanh nghiệp vẫn “xin”.

“Tôi chỉ mong họ cho mình vay vài trăm tỷ với lãi vay thương mại cũng được, chứ không cần lãi suất ưu đãi gì hết”, ông Huyên khẩn thiết.

Theo vị này, cả hai nhà máy của Vinaxuki tại Mê Linh (Hà Nội), Thanh Hóa đã đắp chiếu và ngừng sản xuất từ năm 2013. Để thu lại nợ vay, Vietcombank đã bán khoản cho vay với Vinaxuki cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương cho số công nhân còn lại.

Toàn bộ nhà xưởng của doanh nghiệp này trước đây được các ngân hàng định giá gần 1.000 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm “đắp chiếu”, giờ định giá lại "tiêu hao gần hết". Cũng có vài chủ đầu tư nước ngoài tới ngỏ ý mua, nhưng sau khi khảo sát họ trả giá quá rẻ, nên cũng không bán được. 

Với khoản vốn đề xuất vay 200 tỷ đồng, ông Huyên thừa nhận, để vực dậy toàn bộ Vinaxuki thì cần khoản tiền lớn hơn nhiều, nhưng chỉ cần được giải ngân số vốn này công ty có thể khôi phục một phần sản xuất. Có vốn để khởi động lại nhà máy, công ty sẽ tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ VAMC và các ngân hàng đầy đủ.

“Nhìn những người đã từng là công nhân của mình, vì nhà máy đóng cửa, không có việc làm, giờ sống trong cảnh khốn khó, mà tôi không cầm được nước mắt”, ông chủ này nói thêm.

Đã gần chục lần gửi kiến nghị tới Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành, và ở lần gửi kiến nghị này, ông Huyên cho biết không mong gì hơn là cơ quan chức năng sẽ “một lần lắng nghe doanh nghiệp nói thực tâm”, nhìn nhận đúng thực tế và giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ cử các chuyên gia đến nhà máy nghiên cứu và đề xuất giải pháp, giúp nhà máy thoát khỏi cảnh bế tắc, đắp chiếu hiện nay. “Nếu các vị lãnh đạo, lãnh đạo các ngân hàng trực tiếp nghe tôi trình bày phương án phát triển, sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn tôi nghĩ họ sẽ gật đầu. Còn nếu chỉ để cán bộ các chi nhánh ngân hàng họ sẽ không xử lý được”, Chủ tịch Vinaxuki giãi bày.

Chia sẻ với VnExpress, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, quan điểm chung của nhà băng khi xem xét thẩm định cho vay bất kỳ dự án kinh doanh nào cũng dựa trên các tiêu chí như kế hoạch kinh doanh khả thi, năng lực tài chính tốt, khả năng trả nợ… “Vì thế nên rất nhiều trường hợp doanh nghiệp khăng khăng phương án kinh doanh mình đưa ra là tốt, nhưng năng lực tài chính yếu, thì dưới góc độ tài chính ngân  hàng khó có thể gật đầu cho vay”, vị này chia sẻ.

Thừa nhận, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp và ngân hàng đã “không tìm được tiếng nói chung”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng bình luận, với những lĩnh vực sản xuất ưu tiên cho vay dĩ nhiên Chính phủ đưa ra các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp này, nhưng về phía các ngân hàng cũng phải đảm bảo đồng vốn cho vay ra phải thu hồi được. "Ngân hàng có những quy định riêng trong thẩm định hồ sơ vay và hoàn toàn có thể từ chối những dự án thiếu khả thi", ông nói.

Theo công suất thiết kế ban đầu, nhà máy Vinaxuki có lượng nhân công dự kiến lên tới 6.000 người (Thái Nguyên 300 người, Thanh Hóa 3.000 người và còn lại là Mê Linh, Hà Nội). Nếu đủ vốn hoạt động hết công suất, các nhà máy của Vinaxuki có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, sản xuất 30.000 xe một năm. Thế nhưng hiện, nhà máy tại Thanh Hóa đã được ngân hàng thu hồi, rao bán siết nợ, cỏ mọc um tùm; còn nhà máy tại Mê Linh (Hà Nội) chỉ còn lác đác công nhân làm việc, chủ yếu là khối văn phòng, nhà xưởng trống trơn.

Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che