Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, giá ớt ở Bình Định lên đến 50.000đ/kg (quả tươi), sang đầu tháng 3 âm lịch năm nay, ớt giảm giá còn 35.000đ/kg. Từ đó đến nay giá ớt rớt dần, giờ chỉ còn 2.500đ/kg.
Thời điểm này lại là lúc ớt cho thu hoạch đại trà, người trồng ớt nản quá, bỏ ớt chín rục ngoài ruộng không thèm hái. Vì ớt không tiêu thụ được, lại tốn tiền thuê công hái.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết, vụ ĐX 2013-2014 diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện tăng vọt lên đến gần 1.000 ha. Những diện tích ớt cho thu hoạch lứa đầu cách đây vài tháng còn được giá 32.000đ/kg, người trồng ớt ở Phù Mỹ chưa kịp mừng thì ớt liên tục rớt giá, đến bây giờ, giá ớt sừng (trái to) chỉ còn 2.500đ/kg; loại ớt 2 mũi tên còn khá hơn, nhưng cũng chỉ từ 10.000 đến 12.000đ/kg tùy ớt đẹp xấu. Trong khi đó, hầu hết người trồng ớt ở Phù Mỹ đều chọn trồng giống ớt sừng để canh tác nên bây giờ lâm cảnh “trắng tay”.
Nông dân Nguyễn Văn Thái ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ), cho biết: “Vụ này tui trồng được 1,7 sào ớt sừng, vừa qua hết mùa mưa, đầu tháng 11 âm lịch năm trước là tui xuống giống. Lẽ ra 3 tháng rưỡi là cho thu hoạch, nhưng do năm nay lạnh kéo dài nên ớt cho thu hoạch muộn nửa tháng, đến đầu tháng 3 (ÂL) năm nay mới hái lứa ớt đầu tiên. Lứa thu hoạch ấy giá ớt còn đứng ở mức 32.000đ/kg, phấn khởi thiệt.
Không ngờ bây giờ giá ớt chỉ còn 2.500đ/kg, những diện tích xuống giống muộn bây giờ đều “bể” hết”. Thậm chí nhiều ruộng ớt đang chín rộ, người trồng không thèm hái vì Trung Quốc đã ngừng nhập, hái không biết bán cho ai vì loại ớt này không tiêu thụ nội địa được, lại phải tốn tiền thuê công hái. Ớt nhỏ (ớt 2 mũi tên) còn bán được giá cao hơn, từ 10.000 -12.000đ/kg vì còn tiêu thụ nội địa được”.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở khối Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn-Bình Định), nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng ớt cho biết thêm: “Ớt sừng chỉ có 1 đầu ra là thị trường Trung Quốc, nếu thị trường này “tắc” là ớt đổ đống, để úng chứ không biết bán cho ai, vì không tiêu thụ nội địa được. Lý do nông dân thường chọn giống ớt sừng để trồng vì nếu khi tiêu thụ được thì sẽ có giá rất cao, thường cao hơn ớt 2 mũi tên đến 10.000đ/kg.
“Năm nay nhuận 2 tháng 9, tui sẽ xuống giống ớt vào thời điểm giữa tháng 6 âm lịch, đến cuối tháng 9 sẽ cho thu hoạch, chắc hẳn khi ấy mùa mưa lũ chưa đến vì còn tháng 9 nhuận. Nếu thuận lợi, khi ấy mặc sức mà hốt bạc vì mùa mưa ớt thường có giá rất cao”, anh Nguyễn Văn Hùng, chia sẻ.
|
Tuy nhiên, đối với ớt 2 mũi tên, nếu không tiêu thụ được tại thị trường Trung Quốc thì vẫn bán được cho các đại lý nội địa, họ mua về phơi để chế biến thành ớt bột dành bán vào mùa mưa, vì trời mưa gió không có ớt tươi để ăn”.
Ở huyện Phù Cát (Bình Định), nơi cũng có diện tích trồng ớt khá cao trong vụ ĐX này với trên 400 ha, người trồng ớt ở đây cũng đang lao đao. Tương tự như ở Phù Mỹ, nông dân Phù Cát hầu hết chọn giống ớt sừng để làm nên giờ cũng đang khóc ròng với giá ớt tuột thấp chưa từng thấy. Theo ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện, thời điểm tháng giêng, tháng 2 âm lịch ớt còn đứng giá 45.000đ/kg, sau đó tuột dần đến giờ chỉ còn hơn 2.500đ/kg. Trồng 1 sào ớt đầu tư từ 2,5-3 triệu đồng, giá ớt rớt thảm như bây giờ thì nông dân lỗ vốn.
Năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất ớt đạt khá, khoảng 1 tấn/sào; tuy nhiên, nếu giá ớt còn đứng cao như hồi tháng giêng, tháng hai thì người trồng sẽ vui không gì tả xiết. Bởi đối với cây ớt, thời gian thu hoạch kéo dài đến 6 tháng, tiền sẽ vào ùn ùn. Lứa đầu tiên hái phải đến 10 ngày mới hết ớt, sau đó chăm sóc tiếp khoảng 1 tháng sau là có ớt thu hoạch lại.
Bây giờ, giá ớt tuột thảm hại như thế này thì dù ớt có chín đầy ruộng càng thêm khổ, bỏ thì tiếc, còn hái thì không biết đổ đi đâu vì không thương lái nào thèm ngó ngàng, bởi thị trường tiêu thụ Trung Quốc đã “đóng cửa” với ớt.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng ở khối Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), bộc bạch: “Tui trồng ớt đã nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ tui chọn giống ớt sừng để trồng, vì không tin nổi thị trường Truung Quốc, nếu họ không mua thì lỗ nặng. Trồng ớt 2 mũi tên tuy vào thời điểm ớt ăn mạnh giá bán có thấp hơn ớt sừng, nhưng “ăn chắc” hơn vì còn nương tựa được vào thị trường nội địa”.
Theo Hoàng Kim