Chiều 27-8, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra và phát hiện căn nhà không số thuộc tổ 5, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A do bà Bùi Thị Ngọc Hậu làm chủ đang sản xuất lòng bò thành khô bò đen.
Tại hiện trường, đoàn ghi nhận “quy trình” chế biến, đóng gói loại khô bò này đều thực hiện trên nền nhà nhớp nháp: Khô bò đen được để tràn dưới nền nhà, trong đó không ít khô bò thành phẩm lên mốc. Dụng cụ sản xuất gần 10 bao và rổ cáu bẩn chứa khô bò thành phẩm lẫn lộn rác được “ém” trong nhà vệ sinh. Hai chiếc nồi to dùng để nấu nguyên liệu đen ngòm, đặc sệt đang bốc khói nghi ngút.
Đoàn kiểm tra còn ghi nhận khô bò thành phẩm chứa trong hơn 10 thùng nhựa, trong đó có thùng chứa khô bò lẫn với rác, dây nhợ. Có thùng khô bò thành phẩm dính cứng ngắt, vón cục.
Nơi sản xuất khô bò mất vệ sinh của bà Bùi Thị Ngọc Hậu:
Quy trình chế biến khô bò:
Lòng bò nguyên liệu còn lẫn dây nhợ.
Lòng bò được xắt nhỏ thành miếng.
Cho vào dung dịch ướp.
Thành phẩm khô bò.
Bà Hậu khai với đoàn kiểm tra: Nguyên liệu chính để sản xuất khô bò đen là từ… lòng bò. Lòng bò được mua ở một cơ sở bên quận 8
(TP.HCM) với giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi mua về, lòng bò sẽ được luộc, cắt nhỏ. Tiếp theo là cho vào nồi chứa hỗn hợp nước gồm đường, tỏi, muối, màu… Sên cho bò thành đen, ngấm mùi rồi mang đi phơi sẽ thành khô bò đen.
Cũng theo bà Hậu, khô bò đen thành phẩm được bỏ vô bịch từng ký mang bỏ mối cho những người bán lẻ và người bán gỏi đu đủ với giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở bà Hậu xuất xưởng từ 40 đến 50 kg khô bò thành phẩm loại này.
Cơ sở sản xuất “khô bò đen” của bà Hậu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Mặc dù bà Hậu khai lòng bò mua có giấy kiểm dịch nhưng đoàn kiểm tra ghi nhận giấy quá cũ, không giá trị.
Bà cũng lý giải khô bò thành phẩm lẫn nhiều rác, dây nhợ… là do khi phơi khô bò, trời chuyển mưa nên đổ xuống đất rồi hốt vô thùng.
Đoàn kiểm tra đã tịch thu hơn một tấn khô bò thành phẩm và đề nghị UBND huyện Bình Chánh xử phạt.
Trước thực trạng sản xuất “khô bò đen” quá mất vệ sinh tại cơ sở bà Hậu, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết sẽ phối hợp cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh khô bò đen trên địa bàn TP.
Lòng bò chẳng những không có chất dinh dưỡng mà còn dễ nhiễm khuẩn. Lòng bò để lâu, biến chất thì khả năng nhiễm khuẩn càng cao, dễ gây bệnh lý tiêu hóa, tiêu chảy… Sản phẩm khô bò đen chế biến bằng lòng bò và đường thắng cháy khét, chất tạo màu… sẽ có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.
TS-BS TRẦN THỊ MINH HẠNH, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
|
Theo Trần Ngọc
Pháp Luật Tp. HCM