Phú tại sơn lâm
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 924
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8881518
 

 
 

Cập nhật lúc: 4/20/2013 5:53:58 PM
Ít cây gì ở miền núi lại cho thu nhập cao như cây quế, từ vỏ, cành, thân đến lá đều bán được tiền, giá cao ngất ngưởng.
Phú tại sơn lâm
Có một người từ mấy chục năm nay đã gắn bó với cây quế, đó là ông Hoàng Văn An, dân tộc Tày ở thôn 1, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ông sống dưới bạt ngàn rừng quế, không chỉ các doanh nghiệp tìm đến mà nhiều chính khách cũng tới thăm ông. Ngẫm lại lời nói của người xưa “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (Giàu có mà sống nơi rừng núi cũng có người tìm tới)…

Trước khi nói về ông tôi xin nêu vài con số thống kê diện tích cây quế của tỉnh Yên Bái do Trung tâm Quy hoạch thiết kế Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái điều tra năm 2012. 
 
Tổng diện tích quế Yên Bái hiện có 37.775,9 ha, trong đó có 27.315,3 ha trồng tập trung, 10.460,6 ha trồng phân tán, xen kẽ với nhiều cây trồng khác. Trong đó huyện Văn Yên đứng đầu trồng quế của Yên Bái, với diện tích 25.511 ha được trồng ở 27 xã và thị trấn, huyện Trấn Yên 6.967 ha, trồng ở 17 xã, huyện Văn Chấn 4.785 ha trồng ở 27 xã và thị trấn… Sản lượng quế mỗi năm của Yên Bái khoảng 3.000-3.500 tấn vỏ quế khô, 150-200 tấn tinh dầu, 18.000-20.000m3 gỗ. Nguồn thu từ cây quế hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính khoảng 200-250 tỷ mỗi năm. Vỏ quế khô đang được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Đông.

Ông Hoàng Văn An năm nay 81 tuổi, da dẻ đỏ au, hàng ngày vẫn lên rừng chăm sóc cho những đồi quế mà ít người theo kịp. Trong số những người đầu tiên ở Yên Bái trồng quế, ông kể: Cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây mấy chục năm trước vô cùng khó khăn. Ruộng không đủ cấy, bà con phải phát rừng làm nương rẫy. Sau vài năm rừng biến thành đất trống đồi núi trọc. Không biết trồng cây gì vừa giữ được đất vừa cho thu nhập, còn phá rừng làm nương chỉ vài năm nữa rừng cũng hết, lấy gì để sống? Câu hỏi ấy khiến nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ trăn trở với câu hỏi trồng rừng thì trồng cây gì? Tôi chợt nhớ bà con dân tộc Dao trồng quế để làm thuốc, quế lại bán được, vậy sao ta không trồng quế để có thu nhập, lại bảo vệ được rừng?

Nghĩ thế, ông An quyết định tìm hiểu về cây quế và quyết tâm trồng quế. Ông bán lợn, gà dành dụm tiền đi Quảng Ninh, Sơn La tìm hiểu cách trồng quế cũng như giá cả, thị trường rồi mua những giống quế tốt về trồng. Ông trồng trên các đám nương cũ mà lúa, ngô không mọc nổi. Mỗi năm trồng vài nghìn gốc, cứ thế màu xanh của cây quế theo tay ông lan dần trên các sườn đồi. Những người dân ở Đại Sơn bắt chước ông trồng quế và trở thành phong trào tự phát, cây quế từ Đại Sơn lan dần sang các xã: Viễn Sơn, Xuân Tầm, An Phú, Mỏ Vàng... rồi cây quế vượt sông đến các xã: Mậu A, Yên Hưng, Lâm Giang, Lang Thíp... Toàn bộ 27 xã và thị trấn của huyện Văn Yên không xã nào là không trồng quế. Văn Yên được mệnh danh là huyện quế, ngày 1/10/2010 Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây quế Văn Yên.

Bắt đầu trồng quế từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nhiều người không ngờ cây quế đã mang lại cho gia đình ông một nguồn thu rất lớn. Năm 1999, trong chuyến lên làm việc tại Yên Bái, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ đã tới thăm ông, ông dẫn Bộ trưởng ra xem cây quế cổ thụ hai người ôm mới kín gốc. Cây quế này có người trả ông 3,7 cây vàng nhưng ông không bán mà để lấy hạt làm giống… Mùa gieo trồng quế, bà con khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang tìm đến gia đình ông mua hạt giống về trồng.

Xã Đại Sơn đặt chân tới chỗ nào cũng gặp quế, đây là vùng quế lớn nhất huyện Văn Yên với khoảng 2.000 ha. Hơn 50 năm trồng quế, đến nay đại gia đình ông bao gồm cả các con cái có hơn 100 ha quế. Một rừng quế bạt ngàn, xanh ngằn ngặt nối tiếp nhau trùng điệp phủ kín các đỉnh núi.

Ông bảo: Người trồng quế bây giờ không bỏ thứ gì. Trước đây chỉ bóc lấy vỏ, còn cành, thân, lá bỏ đi. Nay cành to thì bóc vỏ làm quế chi, quế vụn, cành nhỏ và lá bán cho người chưng cất dầu quế. Giá lá quế tươi bây giờ bà con đang bán 1.800-2.000đ/kg, gỗ bán cho các cơ sở chế biến, cây to bán được trên một triệu mỗi khối. Ông chỉ một cây quế to bằng bắp đùi bảo tôi: Cây quế này ngót ba triệu đấy, cứ bóc vỏ ra phơi khô là có người đến mua…

Nhìn rừng quế nhà ông chả khác gì mỏ vàng xanh lộ thiên, từ mỏ vàng này đã giúp cho cuộc sống của gia đình ông mấy chục năm nay no đủ và giàu có. Cách nay hơn hai chục năm, nhiều gia đình người dân vùng quế đã mua những chiếc xe máy đắt tiền vài chục triệu đồng không phải để đi, bởi nhiều thôn bản chưa có đường, nhưng tiền nhiều quá họ chả biết tiền làm gì nên nhà nào cũng sắm hai, ba cái xe máy dựng trong nhà ngắm cho sướng mắt. Ông An có 5 người con trai, thì cả 5 người đều đã xây nhà tầng, những ngôi nhà to lớn xây theo kiểu biệt thự mà nhiều người giàu có ở thành phố cũng phải mơ ước.

Đang là mùa bóc vỏ quế, có hai vụ thu hoạch quế, vụ tháng 3 (âm lịch) và vụ tháng 8 (âm lịch), bà con gọi là vụ tháng 3 và vụ tháng 8, nên sân nhà nào mùa này cũng ngồn ngộn những quế, quế được chất đầy nhà, quanh hè, mùi quế thơm lừng. Vào vùng quế mùa này, quế phơi khắp nơi dọc các con đường, trên các vạt cỏ không một chỗ nào để trống. Còn xe đến thu mua quế vỏ tươi, quế vỏ khô, cành lá và thân quế đậu suốt dọc đường có đủ loại xe từ xe ôm đến những chiếc xe tải 10-15 tấn.

Ông An cười bảo tôi: Cũng nhờ rừng quế mà tôi nuôi được 12 người con, 5 trai và 7 gái. Bây giờ đứa nào cũng khá giả, nhà cửa đều xây to, giống như tôi đứa nào cũng mê trồng quế. Cây quế giúp tôi đổi đời và giúp con cái tôi khá giả… Quả thật, cứ nhìn dãy nhà xây của con cái ông Hoàng Văn An ở thôn 1, xã Đại Sơn, tôi cứ ngỡ đây là khu biệt thự của các đại gia mà nhiều người dẫu nằm mơ cũng không bao giờ có.

Theo Thái Sinh

Nông nghiệp Việt Nam

 
Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che