Theo quan sát của PV Báo SGGP, ngày 21-9, hàng loạt các cây xăng trên quốc lộ 18A qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa. Tại nhiều cây xăng, mặc dù vẫn có nhân viên đứng trực, nhưng các cây xăng đều treo biển “hết xăng”, từ chối bán xăng cho khách.
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 18A từ TP Hạ Long đi Móng Cái hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải, xe container qua lại chở hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng rất khó tìm được chỗ đổ xăng. Anh Vũ Đức Long, một tài xế xe container than thở: “Nhiều cây xăng đã đóng cửa cả tháng nay rồi. Tới đâu, chủ các đại lý xăng dầu cũng xua tay, trả lời không còn xăng để bán”.
Bản thân người dân sở tại ở các huyện như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái cũng cho biết, có khi họ phải dắt bộ cả chục cây số mới tìm được cây xăng mở cửa. Bà con khổ sở và rất bức xúc. Nhiều người cho rằng, sở dĩ các cây xăng có hiện tượng đóng cửa hàng loạt như vậy có thể là do đầu cơ tích trữ để chờ xăng tăng giá hoặc sắp có đợt tăng giá xăng mới.
Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là đầu cơ tăng giá mà bắt nguồn từ khó khăn của chính các đại lý kinh doanh xăng dầu cũng như cơ chế phân chia lợi nhuận giữa các đại lý bán xăng và các công ty cung ứng đầu mối.
Bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phạm Lý (ở thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) cho biết: “Hàng chục cây xăng ở Quảng Ninh phải đóng cửa là do thua lỗ quá lớn, tình trạng này xảy ra đã gần 1 tháng nay”.
Cụ thể là do từ tháng 5 trở lại đây, công ty đầu mối đã giảm dần mức hoa hồng, chiết khấu trả cho đại lý. Trước kia, mức hoa hồng là 200 - 250 đồng/lít xăng nhưng gần đây có lúc giảm xuống chỉ còn 100 đồng/lít. Với mức chi trả chiết khấu như vậy,nhiều đại lý ở Tiên Yên, Đầm Hà cho biết bị lỗ tới 15 - 20 tỷ đồng, đành phải phá sản.
Theo thông báo mới nhất của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ du lịch Cẩm Phả, đơn vị cung ứng xăng dầu cho các đại lý ở tỉnh Quảng Ninh, việc giảm chiết khấu bắt đầu từ 1-9 vừa qua. Tuy nhiên, do các đại lý kêu than thua lỗ nhiều quá, nên kể từ ngày 15-9, mức chiết khấu cho đại lý đã được nâng lên mức 120 đồng/lít đối với xăng A92 và 170 đồng/lít với dầu diesel 0,05%. Nhưng hầu hết các cửa hàng xăng cho rằng, với giá chiết khấu như hiện tại, các đại lý vẫn bị lỗ từ 100 - 150 đồng/lít xăng. Đây chính là lý do hàng loạt các cây xăng buộc phải đóng cửa.
Theo Phúc Hậu
SGGP