Sáng 31-12-2012, sau khi Tuổi Trẻ đăng phóng sự điều tra “Rút ruột xăng máy bay” (Tuổi Trẻ ngày 31-12), các điểm mua xăng máy bay trên đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) đều “án binh bất động”.
Hầu hết đầu nậu đã tẩu tán xăng khỏi các điểm tập kết. Điểm mua xăng của ông Dũng ở cuối đường Bạch Đằng ngưng hoạt động, chiếc xe chuyên mua xăng đóng cửa. Đến 9g, ông Dũng cùng người làm đánh xe chạy khỏi khu vực này. Riêng điểm tập kết xăng trắng của bà Hương tại hẻm 213 Quang Trung (P.10, Q.Gò Vấp) kéo rèm cửa kín mít, không hoạt động. Còn tại nhà ông Châu và bà Bằng ở khu phố 5 đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) cũng khá vắng vẻ. Cùng ngày, chúng tôi liên lạc bằng điện thoại với bà Bằng, bà nói: “Tui nghỉ mua bán rồi” và cúp máy.
Chiều 31-12, ông Bùi Văn Chiến - đội trưởng đội quản lý thị trường Q.Tân Bình - cho biết: “Từ thông tin bài điều tra “Rút ruột xăng máy bay”, đội sẽ nắm thêm thông tin, giờ giấc hoạt động, địa điểm cụ thể của các đối tượng. Chúng tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo anh em rà soát lại các điểm “đen” để kiểm tra trong thời gian sớm nhất”.
Trao đổi vớiTuổi Trẻchiều cùng ngày, tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) Hoàng Mạnh Tuấn khẳng định sau thời gian nghỉ Tết dương lịch, dự kiến ngày 3-1-2013 công ty sẽ có biện pháp kiểm tra để xử lý các cán bộ, nhân viên liên quan trong bài “Rút ruột xăng máy bay”. Theo ông Tuấn, để xảy ra tình trạng này có nhiều lý do mà Vinapco đã cố gắng hạn chế nhưng chưa hiệu quả. Trong quá trình lưu trữ kho xăng, một số nhân viên tìm cách tiết kiệm được nhiên liệu máy bay nhưng thay vì bảo quản, lưu trữ để giảm tỉ lệ hao hụt và báo cáo công ty (công ty có chế độ thưởng) thì lại mang ra bán bên ngoài hưởng lợi riêng.
Một lý do khác là có sự chênh lệch giữa đồng hồ đo trên xe tiếp nhiên liệu và đồng hồ gắn trên máy bay theo hướng đồng hồ trên xe bơm nhiên liệu có số lớn hơn. Vì vậy sau mỗi lần bơm nhiên liệu cho máy bay vẫn còn một khối lượng xăng máy bay dư trong xe bồn. Ông Tuấn nói sau sáu tháng đều có kiểm định các đồng hồ nhưng vẫn có chênh lệch.
Theo một số hãng hàng không, chênh lệch này đã được các hãng kiến nghị Vinapco nhưng không được giải quyết. “Chênh lệch giữa đồng hồ máy bay với đồng hồ xe bơm nhiên liệu mỗi lần nạp khoảng vài trăm ký nhiên liệu” - đại diện một hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất nói.
Theo A.TH. - CH.THÀNH - L.NAM
Tuổi trẻ