Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng VII (thuộc Cục BVTV)- đơn vị “gác” vấn đề kiểm dịch và ATTP trên hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước ta tại Lạng Sơn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ quan này chưa phát hiện mẫu hoa quả nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép.
Theo bà, tại cửa khẩu, cán bộ kiểm dịch phải lấy mẫu và kiểm tra nhanh định tính có hóa chất hay không. Do tại Lạng Sơn chưa có phòng phân tích, kiểm nghiệm nên nếu phát hiện, sẽ gửi mẫu về Hà Nội phân tích định lượng để biết loại gì, ngưỡng ra sao. Mẫu gửi sẽ cho kết quả trong 7-10 ngày.
Thông thường, các lô hàng nhập khẩu sẽ lấy mẫu 10%, rồi cho hàng thông quan. Các lô hàng cần kiểm tra chặt (lấy mẫu 30%, hoặc 100%), phải chờ có kết quả kiểm tra, đạt yêu cầu mới cho thông quan.
Đương nhiên, với cách kiểm nghiệm này, chờ tới khi có kết quả, hàng đã được tiêu thụ hết, người tiêu dùng có thể đã phải lĩnh hậu quả nặng nề.
Theo bà Phạm Thị Vượng, quyền Viện trưởng BVTV, hàng hóa rau quả nhập khẩu dù cần ưu tiên thông quan sớm để tránh hư hỏng, nhưng cũng cần có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ. Bởi vì, “không thể để hoa quả nhiễm độc vào nước ta mãi được”.
Bà Vượng cho biết, đơn vị nhập khẩu phải biết nguồn cung cấp hàng thế nào, sản phẩm ra sao. “Mình chưa làm được như châu Âu, Mỹ, nhưng cũng phải có những hàng rào riêng để chặn nguồn hàng chứa chất độc hại”- bà Vượng nói.
Tuy nhiên, nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng BVTV lại có phần lạc quan: Nếu lô hàng phát hiện có mẫu chứa dư lượng hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép (MRL), “chưa có nghĩa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Theo ông này, quốc tế đưa mức MRL là dấu hiệu nhận biết mối nguy, để có biện pháp chặn từ xa. “Còn đưa ra mức, khi phát hiện ra, đã ảnh hưởng đến sức khỏe rồi, thì mức đó không có ý nghĩa gì”- ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, chỉ trong trường hợp mức dư lượng MRL vượt nhiều lần, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng biện pháp khẩn cấp thu hồi lô hàng, thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết phòng tránh.
Kiểm nghiệm thường xuyên, không phát hiện?
Trong khi cách kiểm soát ATTP với trái cây nhập khẩu còn khiến người tiêu dùng lo lắng, thông tin quả táo để 5 tháng, lê để 9 tháng không hỏng càng khiến nỗi sợ tăng lên.
Ông Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Kiểm nghiệm ATTP (Bộ Y tế) cho biết, đã mua quả táo Trung Quốc để 5 tháng trong môi trường bình thường chỉ hơi héo.
Theo đó, hiện việc kiểm soát chất bảo quản rất khó. Có nhiều hóa chất mới chưa định danh được, khó kiểm soát dư lượng; kiểm nghiệm thường xuyên nhưng hầu như không phát hiện.
TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia cho biết, Kiểm nghiệm các loại hóa chất trong hoa quả như “mò kim đáy bể”. Nhiều chất mới, lạ không có tên trong danh mục, nên không biết cấu trúc của nó thế nào để áp dụng phương pháp thử. Viện quy định trong 5-7 ngày phải trả kết quả cho một mẫu; tuy nhiên cũng có mẫu kiểm tra khó khăn, phức tạp hơn, tới 2 tuần mới xong.
Còn ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, việc hoa quả để lâu, chưa nên vội kết luận là do có chất bảo quản độc hại. Thời gian bảo quản trái cây dài hay ngắn trước hết phụ thuộc vào giống cây. Vị này viện dẫn trên thế giới đang có khoảng 7.500 giống táo, gần 6.000 giống lê.
Các giống táo, lê chín sớm thường có thời gian bảo quản khoảng 15-30 ngày; giống trung bình là 3-5 tháng. Thậm chí, có giống lê, táo chín muộn, thời gian bảo quản tới 6-10 tháng và các giống này thường dùng để xuất khẩu. Ngoài ra, thời gian bảo quản còn phụ thuộc vào độ chín của trái cây khi thu hoạch, chế độ bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cũng như dùng chất bảo quản…
Theo ông Hồng, hiện nhiều nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, EU…đang cho phép sử dụng rộng chất chống oxy hóa: 1-MCP (1-metylcyclopropene). Ngoài ra, các nước còn sử dụng loại sáp nến an toàn, phun bịt bảo vệ về cơ học các lỗ hổng, hạn chế “hô hấp”, giữ cho trái cây được lâu, thay vì buộc túi nilon như ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Chu Văn Thiện, Viện trưởng Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong công nghệ tạo giống hiện nay, thế giới đã ứng dụng gene có thể giữ được quả tươi lâu, nhưng sẽ không thơm ngon như quả bình thường. Công nghệ đầu tư rất tốn kém.
“Táo, lê Trung Quốc để hàng tháng vẫn tươi, chắc chắn họ có sử dụng hóa chất nào đó (trong hàng nghìn hóa chất) mà ta chưa thể xác định được. Tôi chưa tin Trung Quốc có giống táo sử dụng công nghệ có gene bảo quản để táo tươi lâu”- ông Thiện nói.
Trước những thông tin trên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục BVTV phải làm rõ thông tin lê để 5 tháng, táo để 9 tháng vẫn không hư. Trong tháng 10 tới, vấn đề trên phải có thông tin trả lời rõ ràng, minh bạch cho người dân và công luận.
Theo: www.cafef.vn