Giá thu mua cao hơn 40-50% so với thị trường, trong khi giá toàn cầu giảm sút là lý do khiến chương trình trợ giá gạo của Thái Lan thất bại.
Theo báo cáo mới được công bố của Ủy ban Kiểm toán Thái Lan, chính phủ nước này đã lỗ khoảng 330 tỷ baht (hơn 11 tỷ USD) trong ba mùa vụ trợ giá gạo vừa qua, chiếm 58,8% tổng số ngân sách 600 tỷ baht cấp cho chương trình trong một năm rưỡi qua.
Dự kiến số lỗ có thể sẽ tăng lên 390 tỷ baht nếu tính cả tiền trợ giá cho vụ mùa năm nay. Nguyên nhân số lỗ tăng cao được giải thích là lượng gạo đưa vào kho ngày càng nhiều, trong khi lượng gạo bán ra lại rất ít.
Giá gạo trên thị trường ngày một rẻ đi bởi nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, trong khi chi phí sản xuất lại tăng. Với số lỗ 390 tỷ baht được tính qua bốn vụ từ cuối năm 2011 tới tháng 10 thì trung bình mỗi tháng Thái Lan lỗ khoảng 15 tỷ baht.
Chính phủ Thái Lan hiện vẫn chưa chấp nhận số liệu kiểm toán này bởi lập luận chương trình của họ không thể thất thoát nhiều đến thế.
Trước đó, một tiểu ban giám sát vấn đề kiểm toán của chương trình này thuộc Bộ Tài chính Thái Lan cho biết trong hai vụ 2011-2012, nước này chỉ thua lỗ khoảng 136 tỷ baht và dự kiến số tiền lỗ của hai vụ trong năm 2012-2013 sẽ vào khoảng hơn 100 tỷ baht nữa, thấp hơn số liệu kiểm toán nhà nước khoảng 150 tỷ baht.
Nguyên nhân của việc thua lỗ là do giá thu mua bị đẩy lên cao hơn 40-50% so với giá thị trường, khiến gạo Thái Lan không thể bán ra thị trường thế giới trong khi thị trường có xu hướng giảm giá.
|
Chính phủ Thái Lan đang gánh một khoản lỗ lên tới 390 tỷ bath cho chương trình trợ giá gạo nếu tính cả vụ mùa năm nay. Nguồn: irri.org
|
Chương trình này bắt đầu được chính phủ của bà Yingluck Shinawatra thực hiện theo cam kết tranh cử năm 2011, trong đó giá gạo trắng thông thường được thu mua ở mức 15.000 baht/tấn và gạo hương nhài được mua với giá 20.000 baht/tấn.
Theo số liệu tính toán sơ bộ từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, mỗi kg gạo được thu mua với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg.
Điều này có nghĩa cứ mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, Thái Lan sẽ lỗ 22,12 baht. Với số liệu này, các nhà xuất khẩu cho rằng số tiền lỗ cho chương trình trợ giá sẽ vào khoảng 500-700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của chính phủ.
Cho tới nay, số gạo tồn kho theo chương trình trợ giá chỉ còn khoảng 10 triệu tấn sau khi Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan công bố đã xuất khẩu được hơn 10 triệu tấn theo các hợp đồng liên chính phủ để chuẩn bị cho 15 triệu tấn gạo mới sẽ nhập kho.
Trong vụ mùa này, giá thu mua theo chương trình trợ giá sẽ được giữ nguyên 15.000 baht/tấn mùa vụ đầu tiên và giảm xuống 13.000 baht/tấn trong mùa vụ thứ hai. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, chính phủ đã ấn định một khoản ngân sách cho mùa này là 270 tỷ baht để mua 18 triệu tấn gạo, với số lỗ dự kiến vào khoảng 80-100 tỷ baht.
Trong mùa vụ đầu tiên từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, giá thu mua là 15.000 baht/tấn, trong đó giới hạn chỉ mua cho mỗi hộ gia đình cao nhất là 350.000 baht. Ở vụ thứ hai, từ tháng 5 đến tháng 9, giá mua sẽ giảm còn 13.000 baht/tấn và mỗi hộ chỉ được bán tối đa theo chương trình trợ giá là 300.000 baht.
Hiện nay, giá gạo trắng thông thường trên thị trường Thái Lan dao động vào khoảng từ 8.000-10.000 baht/tấn, thấp hơn giá thu mua thấp nhất của chương trình trợ giá khoảng 3.000-5.000 baht/tấn.
Trường hợp giá thu mua lúa gạo vào khoảng 13.000 baht/tấn, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ lên tới 650 USD/tấn, cao hơn 1,5 lần so với mỗi tấn gạo xuất khẩu.
Theo VietnamPlus