Theo PGS,TS. Phạm Lê Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, trong 90% trang thiết bị y tế nhập khẩu, 5 thị trường gồm Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore chiếm khoảng 55%. Như vậy, các nhà sản xuất trang thiết bị y tế của Việt Nam chỉ chiếm được khoảng 10% thị phần thị trường nội địa.
Những năm trước, thị trường này chỉ đạt mức doanh thu trung bình khoảng 8 triệu USD. Tuy nhiên, năm nay, con số này có thể vượt lên 1,2 tỷ USD và dự báo năm 2018 là 1,8 tỷ USD. Nếu phân chia thị trường này theo chủng loại hàng hoá thì thị trường thiết bị y tế Việt Nam đang tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm chuyên sâu…
Nếu phân chia theo khu vực, việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại TP HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Trong đó, riêng TP HCM trong 3 năm tới ước tính sẽ đầu tư khoảng 900 triệu USD để nâng cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Sự phát triển mạnh của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam còn thể hiện ở danh sách đăng ký tham dự Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 16 (Vietnam Medi Pharm Expo 2016) sẽ diễn ra tại Trung tâm triển lãm SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM từ 11/8 đến 13/8 này. Triển lãm chuyên ngành này dự kiến sẽ thu hút khoảng 15.000 lượt khách là các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ đến từ Bộ Y tế, Sở Y tế, bệnh công tư tại thành phố và tỉnh lân cận, các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.
Theo ban tổ chức Vietnam Medi Pharm Expo 2016, triển lãm có tới 280 doanh nghiệp với quy mô trưng bày 350 gian hàng là các tập đoàn lớn, công ty uy tín đến từ 25 quốc gia đăng ký tham dự. Trong đó có 200 doanh nghiệp là các nhà nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp đến từ Kazakhstan lần đầu tiên tham dự với sự hỗ trợ của Bộ Đầu tư và Phát triển Kazakhstan nhằm mở rộng thị trường, tập trung hướng đến phân khúc điều trị hiếm muộn dưới sự phối hợp của Bệnh viện chợ Rẫy TP HCM. Cũng lần đầu tiên tham dự, các doanh nghiệp đến từ Iran tìm kiếm cơ hội tại thị trường dược phẩm Việt Nam.
Với mục đích tiếp cận sâu hơn nữa tới khách hàng là các công ty, bệnh viện, phòng khám, trung tâm thẩm mỹ tại Việt Nam, hơn 30 doanh nghiệp của Hàn Quốc đã cùng đăng ký tham dự Vietnam Medi Pharm Expo 2016.
Ông Hứa Phú Doãn - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị Y tế TP HCM nhận định, sự tham gia ngày càng đông của các doanh nghiệp nước ngoài mỗi lần tổ chức Vietnam Medi Pharm Expo cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào ngành dược - thiết bị y tế thuộc nhóm ngành hấp dẫn đầu tư hiện nay.
Tuy số lượng doanh nghiệp y tế, dược phẩm nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường 92 triệu dân này. Thực tế, hệ thống y tế công cộng của Việt Nam vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM thường xuyên trong tình trạng quá tải và có bệnh viện phải hoạt động 200% công suất trong giờ cao điểm.
Sự phân bố cơ sở y tế chưa đồng đều khi có tới 71% các cơ sở y tế công được đặt tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh những năm gần đây. Tính đến năm 2015, đã có 200 bệnh viện tư. Đây là cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế và dược phẩm.
(Nguồn: Vietnam Medi Pharm Expo)