Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD, giảm trong quý III song vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực nếu so với cùng kỳ năm ngoái, theo ADB.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á hàng quý. Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 9 giảm 8,7% so với quý trước, chủ yếu là do sụt giảm nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10% so với quý trước.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường trái phiếu có mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường mới nổi khu vực Đông Á, với mức tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ USD. Trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến quý 3 vẫn đứng ở mức 700 triệu USD.
|
So với cùng kỳ năm ngoái, trái phiếu Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
|
Nhìn rộng cả khu vực, ADB cho rằng các quốc gia Đông Á đang đứng trước rủi ro khi Mỹ chắc chắn sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản. Các dòng vốn biến động sẽ khiến giới hoạch định chính sách khó khăn hơn trong việc quản lý kinh tế. Khả năng thanh khoản khó khăn có thể làm giảm giá tài sản, đăc biệt trong bất động sản, khiến cho tình hình của các công ty tài chính nắm giữ nhiều tài sản này trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù có những bất ổn, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Đông Á mới nổi vẫn tăng 2,4% so với quý trước với giá trị dư nợ đạt 7.100 tỷ USD vào cuối tháng 9. Sự phát triển này bắt nguồn chủ yếu từ tăng trưởng ở thị trường Indonesia với tốc độ 3,9%, Philippines (3,6%) và Trung Quốc (3%). Thị trường trái phiếu của các nền kinh tế Đông Á đang phát triển đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi tức từ thị trường đã có phần được cải thiện trong những tháng gần đây. Kể từ đầu năm đến 18/10, lợi tức theo Chỉ số Liên Châu Á (Pan-Asian Index) đối với các trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn giảm 1,6%, nhưng vẫn cải thiện hơn so với tỷ lệ giảm 3,5% tính đến ngày 31/7.
Khảo sát tính thanh khoản hàng năm của báo cáo cho thấy những quan ngại đối với thời điểm Mỹ sẽ thu hẹp chương trình mua tài sản.
Ngoài ra, những người trả lời khảo sát tiếp tục chỉ ra rằng nhà đầu tư thiếu đa dạng là một nhân tố chính làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Mặc dù trái phiếu chính phủ vẫn là những động lực chính cho trái phiếu khu vực, ADB vẫn lưu ý rằng quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm, ngân hàng tư nhân và các công ty quản lý tài sản đang ngày càng một phát triển.
Thanh Bình