Giá tăng, không có chuối...
Ông Trần Danh Thế - Giám đốc Công ty cổ phần Sinh học Xanh Việt (Long Khánh, Đồng Nai) thông báo: Hiện giá chuối trái được thương lái mua tại vườn xấp xỉ 6.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng so với cuối năm 2013. Giá chuối tăng là do nhu cầu nhập khẩu chuối Việt Nam của các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, khu vực Đông Âu... tăng mạnh.
Liên tục từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, chuối Việt Nam xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh sức hút vào các thị trường từ Âu đến Á. Thậm chí, giá chuối thu mua tại vườn tăng hơn 20% mà vẫn không đủ hàng để xuất khẩu. Hiện tại thị trường chuối tại Trung Quốc luôn sẵn sàng thu mua hơn 20-30 tấn/ngày, Nhật Bản cần khoảng 15-20 tấn/ngày song Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu này.
Ông Lê Sĩ Công - Giám đốc Công ty TNHH La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) thông tin rằng, từ cuối năm ngoái, mỗi ngày thị trường Nhật Bản cần từ 10 - 20 tấn chuối laba, nhưng công ty không đủ hàng để xuất khẩu. Ngoài Nhật Bản, thị trường các nước Anh, Nga, Ukraine... cũng ưa chuộng chuối laba. Đây là một loại chuối đặc sản của Lâm Đồng, có vị dẻo, thơm đặc biệt.
Cũng theo ông Công, diện tích chuối laba ở Lâm Đồng đang giảm mạnh, chỉ còn gần 200ha, do vài năm qua giá chuối bấp bênh, nhiều nông dân chuyển sang trồng cây khác.
Hiện các công ty xuất khẩu chuối "mê" nhất là chuối trồng ở Bến Tre vì trái rất đẹp và chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông sản Long Giang (huyện Cái Bè, Tiền Giang), vẫn chưa có vùng đất nào chuyên canh trồng chuối. Ở Bến Tre từng có dự án trồng chuyên canh thí điểm 50ha chuối, nhưng sau đó phải bỏ dở vì người ta cho rằng không có hiệu quả kinh tế. Hiện để xuất 200 tấn chuối/tháng, ông Huy phải cho người mua gom khắp nơi cũng không đủ xuất.
Tiềm năng bị bỏ ngỏ...
Việt Nam là nước nhiệt đới và cũng là một trong những xứ sở của chuối với nhiều giống chuối rất quý như chuối tiêu, chuối laba, chuối bom, chuối ngự... Các giống chuối của Việt Nam không chỉ phong phú về kích cỡ, hương vị mà còn có những giá trị sử dụng rất khác nhau. Chuối cũng là loại trái cây có diện tích và sản lượng cao. Với diện tích chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hàng năm, chuối cho sản lượng ước khoảng 1,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, diện tích trồng chuối của ta lại không tập trung với quy mô công nghiệp. Người dân chủ yếu trồng với diện tích nhỏ, manh mún, chưa có quy hoạch vùng tập trung. Một số công ty thu mua chuối xuất khẩu từ các hộ nông dân trồng rải rác nên chi phí thu mua và vận chuyển cao.
Không chỉ vậy, trong quá trình vận chuyển hoa quả từ các nhà vườn đến nơi tiêu thụ do thiếu sự cẩn trọng nên chuối không thể giữ nguyên được hình thức và cũng chưa có biện pháp bảo quản thích hợp nên xuất khẩu cũng giảm giá trị, khó đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Rõ ràng, mặt hàng chuối chiếm vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn và ổn định. Theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ NNPTNT, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương.
Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang trồng chuối để xuất khẩu tăng thu nhập. Bộ Công Thương xem việc xuất khẩu chuối là một mặt hàng quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Còn ở Hướng Hóa (Quảng Trị) cây chuối là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của không ít hộ gia đình…
Theo Nguyễn Phương