Tính toán sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 vừa kết thúc giảm gần 200.000 tấn so với niên vụ trước, trong khi nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng lại tăng 100.000 tấn, khiến nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Cùng với đó, giá bán đường trong nước bị đẩy lên cao, cùng tình trạng "găm" hàng chờ giá buộc Bộ Công Thương tính tới phương án triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường để hạ nhiệt giá bán trong nước.
Giải pháp trên được nhà điều hành đưa ra trên cơ sở khảo sát, kiểm tra tình hình sử dụng đường tại một số doanh nghiệp chế biến, sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và tình hình sản xuất, tồn kho tại một số nhà máy sản xuất đường trên toàn quốc.
Đánh giá của Bộ Công Thương về giá và tiêu thụ đường cho thấy, từ đầu năm đến nay mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá. Bình quân từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4, giá đường đã tăng khoảng 10-15% so với đầu vụ và tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2015.
|
Sản lượng mía mùa vụ 2015-2015 giảm 10% so với trước.
|
Đến tháng 5, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tăng mạnh. Tại thị trường Hà Nội, giá bán buôn đường kính trắng được chào ở mức 16.500-17.000 đồng một kg, đường tinh luyện 17.000-18.200 đồng một kg. Còn tại TP HCM, giá bán buôn đường kính trắng dao động 16.400-16.800 đồng, đường tinh luyện 17.500-18.100 đồng.
Không chỉ đường nguyên liệu bán cho các doanh nghiệp sản xuất tăng giá, giá đường bán lẻ từ đầu tháng 6 đã tăng thêm từ 1.000 đến 2.000 đồng một kg so với tháng 5, phổ biến ở mức 18.000-22.000 đồng một kg với đường trắng tinh luyện.
Trong khi đường có dấu hiệu sốt giá thì nguồn cung trong nước lại giảm. Tính toán sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSA) cho biết, sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 vừa kết thúc giảm gần 200.000 tấn, giảm khoảng 10% so với niên vụ trước.
"Tình hình thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, việc chuyển đổi từ trồng mía sang các loại cây khác tại một số địa phương và hiện tượng "găm hàng" của một số công ty thương mại, nhà máy… là nguyên nhân khiến giá đường trong nước bị đẩy lên cao", Bộ Công Thương đánh giá.
Để bình ổn thị trường và giá đường trong nước, giải pháp trước mắt được cơ quan này tính tới là khẩn trương triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường theo chỉ đạo của Thủ tướng để bổ sung nguồn cung thiếu hụt trong nước. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ, lối mở.
Ủng hộ phương thức đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường thay cho quy chế phân giao hạn ngạch như trước đây, chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ sớm bổ sung nguồn cung đang thiếu hụt cho thị trường. "Tôi được biết là Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá, nhưng tới thời điểm này chưa có thông báo chính thức của Bộ về phương thức thực hiện ra sao", ông Hải nói và nhấn mạnh, nhà điều hành nên sớm công bố cách thức đấu giá để doanh nghiệp có thể chủ động khi tiếp cận với phương thức mới.
Nói thêm về tình hình thị trường và nguồn cung mặt hàng đường, ông Nguyễn Hải cho hay, thị trường đường trong nước đang có hiện tượng bị "thổi" giá bán và sản lượng đường trong nước giảm mạnh, gần 200.000 tấn, nhưng nguồn cung đường có đáp ứng đủ nhu cầu trong nước hay không thì vẫn khó nói chính xác.
Theo ông, ngoài lượng đường do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, đường nhập khẩu theo hạn ngạch được phép và đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào được phép nhập về Việt Nam, thì cũng có số lượng lớn đường nhập lậu qua biên giới. "Mà đường nhập lậu về thì khó có thể thống kê được hết", vị này nói và lưu ý, cơ quan quản lý cần cẩn trọng trong tính toán cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp cân đối cung - cầu thị trường đường.
Anh Minh