Trong khi hàng nghìn hộ nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau phải chịu cảnh thua lỗ, nhiều nông dân khác đã mạnh dạn đầu tư sang mô hình nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ, cho năng suất trên dưới 120 tấn một ha mỗi năm.
Lão nông La Văn Toàn ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, vài năm trước, gia đình ông cũng sống dở, chết dở với nghề nuôi tôm công nghiệp. Năm 2014, chỉ sau vài vụ, nông dân này đã mất trắng số tiền gần nửa tỷ đồng tích góp.
“Trong lúc tôi đang tính đến chuyện bỏ nghề, cầm cố ruộng đất để lên Bình Dương tìm việc làm, thì may thay, một vài người bạn mách cách nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ, nhờ vậy mà cả nhà tôi mới trụ lại được đến hôm nay”, ông Toàn phấn khởi nói.
|
Mô hình nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ đang là cứu cánh cho nghề nuôi tôm.
|
Ở nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau, không chỉ nhiều nông dân đang đổi đời nhờ nghề nuôi tôm theo kiểu mới, mà bà con còn rỉ tai nhau cách làm giàu bền vững.
Chỉ tay về căn nhà tường còn thơm mùi sơn, ông Trần Văn Thuận ở xã Lương Thế Trân hồ hởi: “Căn nhà này được xây cất hơn 200 triệu đồng hồi cuối năm ngoái. Hơn chục năm bám với nghề nuôi tôm công nghiệp, nhưng đến giờ gia đình mới thoát nghèo được từ mô hình nuôi tôm lót bạt”.
Các hộ nuôi theo mô hình này cho biết, mỗi ao chỉ cần diện tích khoảng 200m2, giảm chi phí hơn 50% so với mô hình nuôi tôm công nghiệp, trong khi tỷ lệ tôm sống đạt gần như 100%. Quân bình mỗi vụ tôm, người nuôi thu về vài chục đến cả trăm triệu đồng tiền lãi, sau khi đã trừ chi phí.
“Để có 1.000m2 nhà lưới, người nuôi chỉ cần vốn đầu tư vài chục triệu đồng, nhưng tuổi thọ sử dụng được khoảng 6 năm. Tuy nhiên, hầu hết bà con chỉ cần hai năm đã hoàn được vốn”, ông Thuận khẳng định.
|
Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ áp dụng mô hình sản xuất mới.
|
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, đáy ao được lót bạt, sục ôxy sẽ hút được chất bẩn gây hại cho con tôm. Con giống sau khi thả nuôi gần một tháng đạt trọng lượng 700 con một kg sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm (ao nền đất), giúp tôm lớn nhanh, kháng được dịch bệnh. Trước khi nuôi tôm thương phẩm, tôm giống được ương trong ao, che chắn kỹ bằng lưới lan phủ bên trên và tôn chắn xung quanh để đảm bảo nhiệt độ, giảm sự tác động của thời tiết đến tôm giống.
Theo ông Châu Công Bằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh có khoảng 9.200 ha đất nuôi tôm công nghiệp, nhưng diện tích được bà con thả nuôi hiện nay chưa đầy 40%. Nguyên nhân là do trong năm 2015 dịch bệnh hoành hành và sự sụt giảm về giá khiến cho diện tích nuôi giảm. “Mô hình dùng bạt lót đáy ao đang được bà con chú ý nhân rộng, bởi nó ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi, giúp năng suất tăng cao”, ông Bằng nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng, mô hình nuôi tôm lót bạt có năng suất khoảng 100-120 tấn một ha mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với tôm công nghiệp thông thường.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, lập phương án để triển khai, nhân rộng mô hình này đến người dân trong thời gian sắp tới”, ông Châu Công Bằng nói.
Phúc Hưng