Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...
Giá TACN giảm, lợi nhuận sẽ tăng
Trên thực tế, những năm gần đây giá TACN liên tục tăng, có thời điểm tăng tới 30 – 35%, trong khi chi phí cho thức ăn chiếm tới 70% giá thành nên đã kéo theo giá đầu ra sản phẩm tăng cao, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn khiến người chăn nuôi thua lỗ hoặc hòa vốn, còn người tiêu dùng thì kêu trời. Chính vì thế, nếu thuế VAT mặt hàng TACN về 0% sẽ mang lại cho ngành chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi nói riêng một tín hiệu lạc quan.
Chúng tôi về “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc là xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), khi được biết giá TACN có thể giảm 5%, người dân ở đây rất phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Ba (đội 4) đang nuôi gần 300 con lợn thịt, vui vẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi tiêu thụ cả chục tấn cám, chỉ cần giá giảm 3 – 4% thì chi phí chăn nuôi đã giảm rất nhiều. Năm ngoái, giá TACN tăng tới 20 – 25%, theo đó giá lợn hơi phải đạt 52.000 – 53.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi, trong khi chúng tôi chỉ bán được 47.000 – 48.000 đồng/kg nên bị lỗ tới cả triệu đồng mỗi con. Năm nay, giá TACN giảm nhẹ, giá lợn hơi tăng nên chúng tôi đang lãi 1,2 – 1,5 triệu đồng/con lợn”.
Những năm gần đây, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nổi tiếng với những “đại gia” trong nghề chăn nuôi gà, chỉ riêng xã Kim Long đã có hàng trăm hộ nuôi gà, lợn quy mô công nghiệp, do đó lượng tiêu thụ TACN rất lớn. Ông Đào Xuân Hải ở thôn Đồng Tâm cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 30.000 gà đẻ trứng và 10.000 gà hậu bị, mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thức ăn.
Theo ông Hải: “Với 30.000 gà đẻ, mỗi ngày tôi thu khoảng 25.000 quả trứng, bán với giá 2.500 – 2.800 đồng/quả, thu về khoảng 65 triệu đồng. Trong đó chi phí thức ăn chiếm 70% (45,5 triệu đồng), nếu giảm 5% chi phí thức ăn, mỗi ngày tôi sẽ tiết kiệm được 3,2 triệu đồng, do đó lợi nhuận sẽ tăng thêm rất nhiều”.
Còn nhiều nỗi lo
Mặc dù vậy, nhiều người chăn nuôi đều cho rằng việc giảm thuế VAT TACN chỉ là bước khởi đầu cho việc sắp tới Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), bởi khi đã là thành viên chính thức, nhiều sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sẽ được đánh thuế 0%, như vậy sự cạnh tranh giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu là rất lớn.
Ông Đào Xuân Hải bày tỏ: “Ngoài khoản chi phí 70% cho thức ăn, người chăn nuôi còn phải chi trả tiền con giống, thuốc thú y, thuế thu nhập... Do đó, nếu chỉ giảm giá thức ăn mà không giảm các dịch vụ khác thì khi gia nhập TTP, chăn nuôi trong nước sẽ rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Nếu chúng ta không có biện pháp hợp lý ngay từ bây giờ, rất có thể ngành chăn nuôi sẽ bị “nhấn chìm” trong TTP”.
Về vấn đề này, PGS - TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu khi gia nhập TTP, không còn cách nào khác là ngành chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thú y, công thương, tài chính… “Muốn giá đầu ra giảm thì giá đầu vào phải giảm. Để chất lượng sản phẩm tăng cao thì chất lượng TACN, giống, quy trình chăn nuôi phải tốt, trong đó ngành thú y đóng một vai trò rất quan trọng” – ông Vang nói.
Phụ thuộc doanh nghiệp ngoại
Một số người chăn nuôi cũng bày tỏ sự lo lắng khi nguồn giống lợn, gà hiện nay gần như bị phụ thuộc vào các công ty lớn của nước ngoài. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long, người đã đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà tầng nuôi lợn ở xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) lo lắng nói: “Hiện chúng tôi chủ yếu dùng giống của Công ty CP Chăn nuôi CP (Thái Lan) và Công ty CP Tập đoàn DABACO. Do họ gần như độc quyền con giống chất lượng cao nên những lúc “sốt” giống, họ đẩy giá lên rất cao. Không có giống nên chúng tôi đành cắn răng mua”.
|
Theo: www.cafef.vn