Bà Ba Sương cho rằng Sahafood thua lỗ do những người tiền nhiệm "phá hoại". Còn lãnh đạo cũ khẳng định nguyên nhân công ty lún vào nợ nần từ hậu quả của hàng nghìn tấn hàng tồn kho từ khi bà Sương còn điều hành nhiều năm về trước.
3 ngày sau đại hội cổ đông tìm cách cứu Thủy sản Sông Hậu thoát khỏi nợ nần, ban lãnh đạo mới đã có cuộc họp bàn thủ tục đổi giấy phép kinh doanh, định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Cùng xuất hiện trong cuộc họp ngày 14/11 là đương kim Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Thanh và người tiền nhiệm - bà Trần Ngọc Sương, nay xuất hiện với tư cách cố vấn của Chủ tịch Trần Văn Trí.
Bà Ba Sương trước đó chính là người đã tạm đình chỉ ông Thanh khỏi vị trí CEO vì cho rằng ông này có những sai phạm trong điều hành, khiến công ty thua lỗ. Ngoài ông Thanh, bà Sương cũng cho rằng nguyên Chủ tịch Trần Thanh Long có trách nhiệm trong kết quả kinh doanh thất bát nêu trên.
|
Bà Ba Sương cho rằng trở lại Sohafood không phải "tham quyền cố vị" mà chỉ muốn giúp công ty có tiền trả nợ cho dân. Ảnh: Duy Khang
|
Trong "đơn kêu cứu" gửi nhà chức trách, bà Ba Sương cho rằng 7 tháng đầu năm nay Sohafood lỗ hơn 70,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng bán hàng cho các công ty có vốn góp của ông Thanh (tại Cần Thơ và TP HCM) trên 114 tỷ đồng và mua hàng ngược lại của những công ty này hơn 81 tỷ đồng. Đây được cho là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của Sohafood âm trên 69,6 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, bà Ba Sương cho rằng nguyên Chủ tịch Trần Thanh Long có dấu hiệu câu kết với giám đốc điều hành Nguyễn Tấn Thanh để "phá hoại" khiến công ty thua lỗ. Vì vậy, khi ông Long từ nhiệm vào ngày 1/8, bà thay mặt HĐQT tạm đình chỉ chức vụ của ông Thanh để thành lập đoàn kiểm tra, xử lý sai phạm.
Không đồng tình với quan điểm của bà Ba Sương, ông Long khẳng định kết luận Sohafood lỗ hơn 70 tỷ đồng từ đầu năm là nóng vội. Theo ông Long, đây là khoản lỗ lũy kế kéo dài 5 năm qua từ hậu quả của kho hàng tồn trước tháng 4/2008 (thời điểm bà Ba Sương bị khởi tố về hành vi Lập quỹ trái phép). Đối với 30 tỷ đồng bị cho là có dấu hiệu thất thoát khi bán sản phẩm làm ra từ cá tra mà không trả cho nông dân, ông Long lý giải đã bị ngân hàng giữ lại để trừ nợ.
"Tôi thay thế vị trí của chị Ba Sương vào tháng 4/2008 khi trong kho của Sohafood tồn trên 1.000 tấn cá tra thành phẩm. Hàng hóa tồn kho lúc ấy không đạt quy cách để xuất khẩu vì quá size, không đủ phẩm chất. Theo báo cáo năm 2007 Sohafood lãi gần 2 tỷ đồng nhưng tái kiểm toán phát hiện lỗ và 4 tháng đầu năm 2008 cũng lỗ", ông Long nhớ lại.
|
Ông Thanh khẳng định đã có lộ trình trả nợ, khôi phục sản xuất tại Sohafood. Ảnh: D.Khang
|
Trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT, ông Long được vợ là bà Trần Ngọc Nhanh (em bà Ba Sương) ủy quyền nắm giữ trên 26% vốn tại Sohafood. Do "ôm" quá nhiều hàng tồn kho, công ty hoạt động kém hiệu quả. Đầu năm 2011, ông Long mời khách hàng truyền thống là ông Thanh về Sohafood làm Trợ lý giám đốc, tìm đối tác bán được hết hàng tồn, chốt lại khoản lỗ khoảng 70 tỷ đồng.
"Năm 2011 công ty hồi sinh, lãi gần 7 tỷ đồng, lương công nhân trung bình một người được 3 triệu đồng mỗi tháng. Với số lãi này, lỗ lũy kế của công ty giảm xuống còn 64 tỷ đồng. Năm 2012 lãi chỉ 2 tỷ đồng vì chủ vùng nuôi không chịu bán cá cho công ty khi vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn", ông Long trần tình và cho biết lý do từ nhiệm là để "giữ lòng tự trọng" vì đã giao lại tài sản cho vợ khi ly hôn chứ không phải thiếu năng lực lãnh đạo Sohafood.
Đối với ông Thanh, vị tân tổng giám đốc cho biết sau khi trở lại công ty sẽ vạch ra ngay lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp để không bị mất vốn hay thua lỗ nhằm tạo công ăn việc làm cho 800 lao động là con em của nông dân gắn bó với Nông trường Sông Hậu.
Được bầu trở lại vào vị trí điều hành Sohafood, ông Thanh cam kết từ 3-6 tháng sẽ trả dứt nợ nông dân, đưa công ty phát triển ổn định, kinh doanh có lãi. Theo ông Thanh, tổng nợ trên dưới 100 tỷ đồng thì Sohafood vẫn còn trụ lại trong ngành thủy sản bởi công ty có thương hiệu, quan hệ tốt với nhiều khách hàng ngoài nước và còn tài sản lớn bên ngoài là nợ đối tác phải trả trên 8 tỷ đồng cùng đàn cá trị giá gần 15 tỷ đồng đang được nông dân nuôi gia công.
|
Khó khăn của Thủy sản Sông Hậu cũng bắt nguồn từ sự mâu thuẫn của nội bộ công ty. Ảnh: Trà Giang
|
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Trần Văn Trí - người được kỳ vọng sẽ giúp sức cho Sohafood tương tự những gì đã làm tại Thủy sản Bình An và Phương Nam - cho rằng chìa khóa của vấn đề hiện nay là nội bộ công ty phải đoàn kết. Bản thân ông khi tham dự đại hội cổ đông ngày 11/11 cũng không nghĩ đến việc tham gia vào HĐQT và càng không nghĩ đến chức Chủ tịch.
"Chưa vội kết luận ai đúng, ai sai vì vấn đề chị Ba Sương với anh Thanh đưa ra đang được làm rõ. Tới đây các cổ đông bơm vốn, công ty tổ chức thu hồi nợ bên ngoài để sớm trả nợ dứt điểm cho bà con và nợ bảo hiểm xã hội", ông Trí cho biết và khẳng định nếu tái kiểm tra phát hiện người nào chi sai nguyên tắc tài chính trong thời gian nắm quyền thì phải khắc phục hậu quả, nếu không sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Duy Khang
Sohafood đặt trụ sở ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) là một trong những đơn vị trực thuộc Nông trường Sông Hậu (nay là Công ty nông nghiệp Sông Hậu). Trong 45 tỷ đồng vốn điều lệ, có 10% vốn Nhà nước, được rót từ công ty mẹ. Ngành nghề chủ yếu của Sohafood là chế biến cá tra xuất khẩu.
|