Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 2,244 triệu tấn, tăng 4,7%, sản lượng nuôi trồng đạt 2,491 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, thời tiết biển từ đầu năm tới nay tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác. Ngư dân cũng chuyển đổi ngư trường đánh bắt, chọn thời điểm khai thác thích hợp trên mọi ngành nghề đồng thời chú trọng tập trung vào khai thác những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nên mang lại lợi nhuận.
Mặt khác, nhiều địa phương đã hình thành các tổ hợp tác đánh bắt hải sản xa bờ và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Thêm vào đó với sự hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân đánh bắt vùng biển khơi, các hộ đánh bắt hải sản đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ.
Do vậy kết quả hoạt động đánh bắt hải sản một số tỉnh đạt khá như Kiên Giang ước đạt 345.608 tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; Bình Thuận ước đạt 147.800 tấn, tăng 6,5%; Bình Định ước đạt 135.080 tấn, tăng 9,8%; Bến Tre ước đạt 111.787 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ...
Đáng chú ý, thời gian trước đây kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương chưa đáp ứng được chất lượng cá ngừ xuất khẩu, giá cá ngừ không ổn định làm hiệu quả các chuyến khai thác cá ngừ đại dương giảm. Tuy nhiên, hiện nghề câu cá ngừ đại dương đang được ngành chức năng quan tâm và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến phương pháp thu câu và bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả khai thác và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động khai thác.
Nhờ vậy mà hiện sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 9 tháng qua của một số tỉnh khai thác chủ yếu đạt sản lượng đáng kể như Bình Định đạt 7.746 tấn; Phú Yên 3375 tấn; Khánh Hòa 11.359 tấn, trong đó loại mắt to vây vàng mang lại giá trị cao ước đạt 3.698 tấn...
Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng Chín ước đạt 372.000 tấn, tăng 15,9% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 2,491 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho biết, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.
Theo đó, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 9 tháng đầu năm ước đạt 7.000 ha với sản lượng chỉ đạt 757.000 tấn. Tình hình sản xuất tôm sú tháng Chín vẫn ổn định so với tháng trước.
Diện tích và sản lượng cá tra của một số tỉnh sản xuất chủ yếu như sau: Vĩnh Long diện tích 429ha (tăng 0,6%), sản lượng 68.819 tấn (giảm 8,5%); Đồng Tháp diện tích 2.150 ha (tăng 34%), sản lượng 238.751 tấn (giảm 5,1%); Cần Thơ diện tích 762 ha (giảm 6,8%), sản lượng 77.313 tấn (tăng 8,8%); Tiền Giang diện tích 173 ha (tăng 44%), sản lượng 23.657 tấn (giảm 5,1%); Bến Tre diện tích 690 ha (tăng 5,3%), sản lượng 129.230 tấn (giảm 0,5%).
Một số tỉnh có sản lượng tôm sú tăng khá nhưng diện tích lại giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm 115.767 ha (giảm 4,0%), sản lượng 46.832 tấn (tăng 7,5%); Trà Vinh có diện tích 19.408 (giảm 25%), sản lượng 10.842 (tăng 19,9%), riêng tỉnh Kiên Giang cả diện tích và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ năm trước với diện tích 88.699 ha (tăng 2%), sản lượng 27.423 tấn (tăng 30,4%).
Trong khi đó, Cà Mau là tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất vùng nhưng diện tích và sản lượng đều giảm so với cùng kỳ năm trước với diện tích nuôi khoảng 263.535 ha (giảm 1,2%), sản lượng là 84.500 tấn (giảm 1,2 %)./.
Theo Thanh Tâm