Với số lượng dự kiến tiêu thụ, miền Nam tiếp tục là thị trường tiêu thụ vải lớn nhất cả nước.
Tại hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều vào thị trường phía Nam sáng nay ở TP HCM, báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, tổng diện tích vải thiều năm 2016 là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm ngoái, sản lượng sẽ đạt khoảng 130.000 tấn (giảm 65.000 tấn). Dự kiến sản lượng xuất khẩu trong năm nay 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%, còn lại tiêu thụ nội địa với khoảng 78.000 tấn.
Riêng khu vực phía Nam bao gồm TP HCM, miền Tây và Đông Nam Bộ sẽ đạt con số cao nhất từ trước tới nay vào khoảng 55.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với năm ngoái. Còn với vải Hải Dương, năm nay sản lượng vải của tỉnh này đạt 36.000 tấn, giảm 30% so với năm 2015.
|
Giá vải năm nay tăng hơn năm ngoái.
|
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, năm nay phía Nam tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ lượng lớn vải từ miền Bắc, trong đó TP HCM sẽ làm đầu mối tiêu thụ chính. Dự kiến số lượng vải tiêu thụ toàn miền Nam 60.000-70.000 tấn.
"Sức tiêu thụ vải năm nay không nhộn nhịp như mọi năm cho nên Sở sẽ tích cực đứng ra làm đầu mối để gắn kết với các kênh bán lẻ hiện đại", ông Hòa nói.
Còn tại chợ đầu mối, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, năm nay lượng vải về chợ không nhộn nhịp như trước, mỗi đêm đạt khoảng 400 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng được giá hơn. Trung bình mỗi kg vải có giá 25.000-35.000 đồng. Còn các chợ lẻ hoặc các cửa hàng luôn ở mức 50.000-80.000 đồng một kg, cao hơn năm ngoái khoảng 10%.
Năm 2015, tổng số lượng vải tiêu thụ nội địa trên 98.000 tấn. Trong đó, riêng thị trường phía Nam (TPHCM, các tỉnh Nam Bộ) tiêu thụ 58.000 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Thi Hà