Tại hội nghị về quản lý tôm giống nước lợ do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) nêu vấn đề: Trong khi ở Mỹ chỉ có một mã số cho Artemia với tên gọi là sản phẩm dùng cho tôm, thì nhập về Việt Nam lại bị áp tới 2 mã số với 2 loại thuế suất khác nhau.
“Trứng Artemia khi doanh nghiệp nhập loại nghiền ra thành bột thì được hưởng thuế suất 0%, nhưng nếu nhập nguyên trứng về để nghiền làm thức ăn cho tôm thì lại bị đánh thuế 5%”, ông Thông chia sẻ.
|
Công nhân một cơ sở sản xuất tôm giống đang kiểm tra chất lượng tôm 3 ngày tuổi.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tổng giá trị các doanh nghiệp nhập Artemia về không đáng kể, việc đánh thuế nhập khẩu 5% hay 3% không có ý nghĩa gì trong ngành tôm xuất khẩu đến 3-4 tỷ USD, mà lại rất cần giống chất lượng.
“Chính sách quốc gia phải là khuyến khích phát triển. Thức ăn dành cho con tôm giống là vô cùng cần thiết cho phát triển ngành tôm, nếu tận thu thuế ở giai đoạn này – giai đoạn yết hầu là triệt tiêu sức sản xuất, phát triển của ngành tôm trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đề xuất không nên truy thu thuế và giảm thuế suất nhập khẩu về 0% với mặt hàng này.
Số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Việt Nam) cũng cho biết, nhu cầu trong nước đối với mặt hàng trứng Artemia khoảng trên 200 tấn, sản xuất nội địa đáp ứng 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong một văn bản gửi tới báo chí, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm sẽ truy thu thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia và chỉ điều chỉnh giảm thuế suất từ 5% về 3%.
Dẫn số liệu báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh thành phố trong 6 năm qua (2009 – 2015), Bộ Tài chính cho hay, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia. Trong đó khoảng hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch lên tới 84% tổng số kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo mã số 0511.91.00 (thuế suất 5%) và chưa đến 10 doanh nghiệp nhập khẩu với lượng kim ngạch chiếm 15% tổng số kim ngạch khai báo vào nhóm 23.09 (thuế suất 0%).
“Việc hải quan truy thu các doanh nghiệp khai báo mã số chưa đúng là đúng quy định của pháp luật và đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng này”, Bộ Tài chính khẳng định.
Về mức thuế suất thuế nhập khẩu, theo quy định tại Biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ý kiến từ phía Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan, Bộ Tài chính sẽ giảm thuế suất nhập khẩu với mặt hàng trứng Artemia thức ăn cho tôm từ 5% xuống còn 3% để vừa khuyến khích bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn muốn giảm thuế nhập khẩu trứng Artemia về 0% do đây là loại thức ăn rất cần thiết, đặc thù cho ngành sản xuất tôm giống trong nước. Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôm sẽ là một dư địa trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm.
“Đó là trước mắt, còn chiến lược con tôm hiện nay được coi là một mặt hàng chiến lược hàng hóa của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm việc với Bộ Tài chính.
Chia sẻ với báo chí Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay, ngay sau thông tin Bộ Tài chính phát đi về việc truy thu thuế đối với mặt hàng trứng Artemia, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có tiếp một văn bản gửi tới cơ quan này, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, không truy thu thuế và điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia làm thức ăn cho tôm gống về 0% để hỗ trợ phát triển sản xuất ngành tôm Việt Nam.
“Nếu Bộ Tài chính chưa giải quyết mà ảnh hưởng đến sự cạnh tranh cũng như làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, thì chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ xử lý dứt điểm vấn đề này trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.