85% thị phần hiện trong tay 3 "ông lớn", nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chuyển nhượng thuê bao, sáp nhập hoặc từ bỏ cuộc chơi.
|
Thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng vẫn khó có chỗ đứng cho các doanh nghiệp quy mô quá nhỏ.
|
Đầu tháng 11/2012, Công ty cổ phần Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam (CEC) phát thông báo chuyển quyền quản lý, điều hành mạng của mình sang cho VCTV (nay là VTVcab). Khoảng 20.000 thuê bao đang hoạt động của CEC rời sang mạng mới, hưởng đầy đủ dịch vụ và phải điều chỉnh lại hợp đồng. Nguyên nhân chính là CEC đầu tư không lợi nhuận nên rơi vào cảnh nợ nần, không thể tiếp tục hoạt động.
Theo thống kê của Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng cục diện phát triển không đồng đều, thị phần tập trung trong tay 3 đơn vị lớn. Trong đó, SCTV giữ 40%, VCTV 30% và HTV 15%. Thực tế này khiến các chuyên gia cho rằng trong tương lai, những doanh nghiệp quy mô nhỏ, phạm vi cung cấp dịch vụ hẹp sẽ đi theo con đường của CEC.
Thị phần 15% chia cho số doanh nghiệp còn lại, trong đó có tới 26 đơn vị truyền hình cáp (ngoài ra có vệ tinh, số mặt đất, truyền hình IP, truyền hình di động). Đến nay, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ đã tiến hành mua bán sáp nhập, tương tự như trường hợp của CEC.
Mới đây, hai tập đoàn viễn thông lớn là Viettel và FPT đều được cấp phép tham gia thị trường truyền hình trả tiền, còn 3 doanh nghiệp nắm 85% thị phần cũng kỳ vọng mở rộng trên toàn quốc. Với tình hình này, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp quá nhỏ nên có phương án sáp nhập hoặc chuyển nhượng thuê bao, nếu không khó tồn tại lâu dài mà cũng không đáp ứng được tiêu chí để có được giấy phép theo quy định của Chính phủ.
Theo Quyết định số 20 về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, các doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực phải lập hồ sơ thiết lập mạng viễn thông, đáp ứng điều kiện kỹ thuật trước khi xin cấp phép cung ứng dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có chủ trương sắp xếp lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
"Quan điểm là từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng phát triển bền vững, công nghệ hiện đại", ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết. Về giấy phép cung cấp dịch vụ, Bộ sẽ cấp theo hướng lựa chọn doanh nghiệp đã có hạ tầng, quy mô và năng lực đầu tư đáng kể, có khả năng đưa dịch vụ đến cả những khu vực khó khăn để từng bước cân bằng diện phủ dịch giữa nông thôn và thành phố.
Truyền hình trả tiền được cung cấp tại Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XX, khởi nguồn là hệ thống truyền dẫn tín hiệu MMDS. Sau gần 20 năm phát triển, dịch vụ đã phủ sóng trên 95% lãnh thổ với khoảng 6 triệu thuê bao đang hoạt động thường xuyên.
|
Anh Quân