Đắt hơn vé máy bay
Anh Mạnh Hưng (Nghệ An) chia sẻ rằng vướng con nhỏ nên anh thường xuyên chọn tàu hỏa để về quê trong mỗi dịp lễ tết. Không phải chịu cảnh chen lấn xô đẩy của xe khách, nhưng dịch vụ trên tàu cũng khiến gia đình anh ngán ngẩm. “Đồ ăn không có nhiều lựa chọn nhưng ghê nhất là nhà vệ sinh. Trừ một vài tàu SE đã đầu tư nhà vệ sinh tự hoại, các tàu khác, đặc biệt là tàu chợ thì nhà vệ sinh là nỗi ám ảnh”, anh Hưng nói.
Nhưng điều khiến nhiều khách hàng "chung thủy" với tàu hỏa đang dần xa phương tiện này là thời gian chạy quá lâu, thường xuyên trễ giờ, chất lượng dịch vụ kém và đặc biệt, giá vé quá đắt so với chất lượng cũng như các phương tiện khác.
Đơn cử như vé tàu Thống Nhất tuyến Hà Nội - Vinh, vé giường nằm điều hòa lên tới 360.000 đồng/chiều (không điều hòa từ 280.000 - 300.000 đồng/chiều), nhưng chạy mất 8 - 9 tiếng. Trong khi giá vé giường nằm điều hòa của xe khách chất lượng cao cũng chỉ hơn 200.000 đồng/vé, chạy chỉ hết 6 - 7 tiếng. Vì vậy, rất nhiều hành khách đã chuyển từ thói quen đi tàu sang đi xe giường nằm chất lượng cao.
Không chỉ bị cạnh tranh của xe giường nằm, việc giữ giá vé ở mức cao đang khiến trong nhiều trường hợp, vé tàu đắt hơn khá nhiều so với giá vé máy bay. Đơn cử, ngày thường, vé tàu giữa Hà Nội - TP.HCM của tàu SE3/SE4, giá vé đắt nhất cũng lên tới 1.760.000 đồng/vé, mức này cao hơn khá nhiều so với loại vé của VietJetAir và Jetstar Pacific mở bán ngày 6.1 cho các chuyến bay khởi hành ngày 10.1 và 11.1 là 1.030.000 đồng, 1.260.000 đồng và 1.560.000 đồng/vé tùy theo chuyến bay. Mua vé sớm hoặc chọn những chuyến bay đêm giá còn rẻ hơn, chỉ 799.000 đồng; 870.000 đồng và 980.000 đồng/vé.
Ngày tết, giá vé tàu hỏa còn cao hơn. Hành trình nhanh nhất là tàu SE3/SE4 giữa Hà Nội - TP.HCM (khoảng 30 tiếng), giá vé giai đoạn cao điểm từ ngày 20 - 29 tháng chạp rẻ nhất là 1.502.000 đồng/vé; đắt nhất là 2.115.000 đồng. Nếu tính luôn cả chi phí ăn uống suốt 30 tiếng trên tàu, cũng gần bằng vé máy bay tết của các hãng hàng không giá rẻ. Có lẽ vì thế mà năm nay vé tàu tết bị ế chưa từng thấy. Sau hơn 2 tháng ga Sài Gòn mở bán vé tàu Tết Giáp Ngọ 2014 (từ ngày 10.10) mà tại ga này vẫn còn đến hơn 20.000 vé chiều đi trước tết và hơn 18.000 vé đi sau tết.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng cho rằng lương nhân viên ngành đường sắt Việt Nam thấp, tức là chi phí quản lý thấp mà giá vé cao như vậy là bất hợp lý. Trong khi ở Đức thu nhập của người dân gấp hàng chục lần ở Việt Nam, giá vé tàu hỏa luôn có những chương trình khuyến mãi, như vé dành cho người già, học sinh, sinh viên là 220 euro (khoảng 6.300.000 đồng) đi khắp châu Âu trong vòng 4 tuần.
Một vé khứ hồi đi nội địa nước Đức chỉ từ 49 euro cho hạng phổ thông (khoảng 1.400.000 đồng) và 59 euro cho vé hạng nhất (khoảng 1.700.000 đồng). Nếu có từ 1 - 4 người đi cùng tiếp theo chỉ phải trả thêm 10 euro (khoảng 287.000 đồng) cho mỗi người.
Khó cạnh tranh vì tư duy độc quyền
Tại hội nghị tổng kết ngành đường sắt mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn chỉ ra những chậm chạp trong thay đổi của ngành đường sắt xuất phát từ việc duy trì tư duy độc quyền. “Tổng công ty đường sắt dường như không nghĩ mình là doanh nghiệp, kinh doanh mà đang nghĩ mình là bộ đường sắt, quản lý nhà nước về đường sắt gì đó nên rất chậm thay đổi”, ông Thăng nói.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng ngành đường sắt quá trì trệ, phương tiện không có gì mới, bộ máy cồng kềnh... Tình trạng lạc hậu của ngành đường sắt rất dễ nhận thấy như hệ thống bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu chậm giờ, giá vé quá đắt đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể.
Đề án nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1 m (tàu khách đạt tốc độ trung bình 80 - 90 km/giờ, tàu hàng 50 - 60 km/giờ) vẫn đang trong giai đoạn trình Chính phủ. Nếu được thông qua, tới năm 2020 tốc độ đường sắt mới đạt mục tiêu này, đã chậm hơn một nhịp so với tốc độ mở rộng QL1 cũng như các tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ trưởng Thăng cũng đã đưa ra cảnh báo, tới đây khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên... người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn, ngành đường sắt sẽ vấp phải cạnh tranh gay gắt nếu không tự đổi mới. Người đứng đầu ngành giao thông cũng giao nhiệm vụ cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam phải tái cơ cấu toàn diện, cải thiện tốc độ chạy tàu, đặc biệt là hiện đại hóa công tác bán vé, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại trên tàu phải xong trong năm 2014...
Trả lời chúng tôi về lời nhắc của Bộ trưởng Đinh La Thăng “giá vé đường sắt đang cao hơn giá vé hàng không giá rẻ”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành cho rằng: Bộ trưởng nhắc ngành đường sắt tính bài toán cạnh tranh so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ngành đường sắt sẽ không giảm giá vé, vì giá vé phải cân đối bù đắp giữa chiều đông khách, chiều vắng khách, giữa các đoạn tuyến đông khách, có lãi và các đoạn tuyến vắng khách, đang lỗ. Để cạnh tranh với các lĩnh vực giao thông khác, ngành đường sắt sẽ có cơ chế với nhiều giải pháp, trong đó có tính toán tới giá vé.
Theo một chuyên gia giao thông vận tải, với hơn 40.000 nhân viên, nhưng ngành đường sắt chỉ mang lại doanh thu hơn 11.000 tỉ đồng trong năm 2013 (với số nhân viên tương tự, ngành hàng không đạt 70.000 tỉ đồng doanh thu). Để thay đổi tình trạng này, mấu chốt là tái cơ cấu, xóa bỏ tư duy độc quyền “một mình một chợ”, xã hội hóa đầu tư thì mới có thị trường đường sắt cạnh tranh thực sự.
Theo Mai Vọng - Mai Hà