Đánh giá về môi trường kinh doanh tại VN vừa được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố sáng 29/10 cho thấy không nhiều cải thiện so với năm ngoái, khi nhiều lĩnh vực sát sườn với doanh nghiệp vẫn ở nhóm “chót bảng” so với thế giới.
Theo báo cáo thường niên về Môi trường Kinh doanh của Việt Nam và thế giới 2014 vừa được công bố, trong đợt khảo sát năm nay, WB và IFC đã tiến hành đánh giá tại 189 nền kinh tế, thay vì 183 như năm ngoái. Trong khi các nước Đông Nam Á có những bước tiến xa, Việt Nam tiếp tục vẫn ở vị trí trí thứ 99 về môi trường kinh doanh, thấp hơn một bậc so với hồi 2011.
|
Môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện trong năm qua. Ảnh minh họa: Anh Quân
|
Tương tự những năm trước, đánh giá đưa ra dựa trên 10 chỉ tiêu bao gồm: Thành lập doanh nghiệp, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Vay vốn tín dụng, Bảo vệ nhà đầu tư, Nộp thuế, Thương mại quốc tế, Thực thi hợp đồng, Xử lý doanh nghiệp mất khả năng.
Trong đó, có 7 chỉ tiêu Việt Nam bị rớt điểm so với năm ngoái, 2 chỉ tiêu tăng là bảo vệ nhà đầu tư và thương mại quốc tế. Riêng lĩnh vực nộp thuế tụt 11 bậc, từ xếp hạng 138 trên 183 quốc gia, xuống vị trí 149 trên 189 quốc gia.
Nhiều lĩnh vực sát sườn khác với doanh nghiệp cũng ở gần mức “đội sổ” toàn cầu như về Bảo vệ nhà đầu tư xếp vị trí 157 trên 189 nước, Tiếp cận điện năng xếp hạng 156, Xử lý doanh nghiệp phá sản xếp vị trí 149…
Nhóm tác giả của Ngân hàng Thế giới lý giải nguyên nhân khiến Việt Nam không tăng được bậc nào vì nhiều quốc gia đang cải cách mạnh mẽ hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều lĩnh vực “sát sườn” vẫn còn là thách thức với doanh nghiệp.
Ví dụ, khả năng bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong 10 lĩnh vực, đứng thứ 157 trong số 189 nước. Trong lĩnh vực thuế, doanh nghiệp mất tới một phần ba thời gian làm việc trong năm để đi đóng thuế - 872 giờ đồng hồ, gấp 10 lần so với Singapore.
Cũng có mặt tại buổi công bố báo cáo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định kể từ khi bắt đầu báo cáo môi trường kinh doanh đến nay, năm nào lĩnh vực này cũng bị bêu tên về điểm thấp.
Theo Tiến sĩ Thiên, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục bị “hành hạ” như thế này thì Việt Nam sẽ còn chưa thể cải thiện môi trường kinh doanh. “Trong khi đó, việc cải thiện lĩnh vực này đáng lẽ cũng không có khó khăn gì”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói tiếp.
Trong khi đó, các hàng xóm lân cận của Việt Nam đang ngày một bứt phá mạnh mẽ. Philippines nằm trong 10 nền kinh tế đạt được nhiều tiến bộ nhất để cải thiện môi trường kinh doanh. Singapore thì đứng đầu trong bảng xếp hạng 189 nước, Malaysia xếp thứ 6 và Thái Lan xếp thứ 18. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Ngân hang Thế giới công bố báo cáo Môi trường kinh doanh của các nền kinh tế trên thế giới.
Thanh Bình