Một ký khoai tây từ Đà Lạt chỉ từ 19.000 đồng nhưng khi ra đến chợ lẻ ở TP.HCM đã vọt lên 30.000 đồng. Mức giá này hầu như vẫn đứng vững qua bốn lần giá xăng giảm.
Vô vàn lý do
Sáng cuối tuần tại chợ lẻ Lạc Quang (Q.12, TP.HCM), chúng tôi chọn mua hai củ khoai tây (0,5kg), chị chủ sạp rau củ báo giá 15.000 đồng. Đặt câu hỏi thắc mắc sao giá khoai tây vẫn ở mức cao trong khi giá xăng giảm liên tục thời gian qua, chị chủ sạp cho biết: “Do giá đầu nguồn vẫn ở mức cao”.
Tại chợ nội thành Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), khoai tây Đà Lạt cũng ở mức 27.000 đồng/kg. Mức giá này được các tiểu thương xác nhận không thay đổi từ nhiều tuần qua.
Khảo sát tại nhiều chợ cho thấy không riêng gì khoai tây Đà Lạt, các mặt hàng như cà rốt, hành tây, hành đỏ, tỏi... vận chuyển từ các tỉnh ĐBSCL hoặc Đà Lạt về TP.HCM giá bán lẻ hầu như không thay đổi. Trong khi đó, đây là nhóm hàng tăng mạnh nhất khi xăng tăng giá cách đây vài tháng.
Một tiểu thương bán hàng lâu năm tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) thừa nhận hiện nay, một số tiểu thương nhanh chóng đẩy giá hàng hóa lên khi có thông tin giá xăng tăng, nhưng khi giá xăng giảm lại lờ đi.
Theo phân tích của nhiều nhà vườn, giá thực phẩm, rau củ có xu hướng biến động thất thường và phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn hàng, thời tiết, chất lượng sản phẩm, nhưng giá xăng dầu vẫn tác động 15-20% cơ cấu giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc xăng giảm giá mạnh thời gian qua nhưng giá rau củ, thực phẩm vẫn đứng yên là hết sức vô lý.
“Giảm không đáng bao nhiêu”
Trao đổi với chúng tôi, nhiều đơn vị vận tải cho biết vẫn chưa tính đến phương án giảm giá vì mức giảm giá xăng “không đáng bao nhiêu”. Do vậy, giá cước vận tải hàng loạt mặt hàng hầu như vẫn đứng yên sau khi giá xăng giảm tới bốn lần.
Bà Thu Vân, một đầu mối mua rau củ Đà Lạt đưa về TP.HCM, cho biết thời điểm này mỗi ký khoai tây bị “ăn” mất 700 đồng tiền vận chuyển đi TP.HCM. Với mỗi tấn, mức giá vận chuyển phải trả khoảng 700.000 đồng. “Các tài xế vận chuyển trừ tiền ngay lập tức và trực tiếp vào từng đợt hàng đưa đi chứ không có trả trước sau gì cả” - bà Vân cho hay.
Đại diện Công ty vận tải Phước Thành (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết giá một chuyến xe 5 tấn chở hàng thông thường từ TP.HCM lên Pleiku (Gia Lai) là 14 triệu đồng, không thay đổi so với mức giá trước đây.
“Xăng dầu giảm giá có bao nhiêu đâu. Giờ phải chở đúng tải trọng theo quy định nên chưa thể tính đến chuyện giảm cước” - vị đại diện công ty cho hay. Theo cách tính toán của đơn vị này, xe tải loại 5 tấn chạy 100km mất hơn 12 lít xăng, mỗi lít xăng giảm được khoảng 2.000 đồng so với hồi tháng 7, tính ra đoạn đường TP.HCM - Pleiku khoảng 600km chỉ bớt được 144.000 đồng tiền xăng.
Chuyên chạy tuyến dài Bắc - Nam, Công ty dịch vụ vận tải Trọng Tấn tại quận 2, TP.HCM cho biết giá cước các chuyến gần đây của họ chịu tác động rất lớn do quy định cấm xe chở quá tải hơn là giá xăng dầu tăng. Do vậy, việc giảm giá xăng thời gian qua cũng chưa thể tác động ngay đến việc giảm giá cước vận chuyển.
Taxi vẫn cố giữ giá
Không chịu tác động của việc giảm trọng tải theo quy định mới, song hiện tại các hãng xe taxi ở TP.HCM vẫn chưa tính tới chuyện giảm giá. Ông Tạ Long Hỷ, phó tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun, cho biết hiện đơn vị này vẫn chưa có chủ trương giảm giá cước taxi. Nguyên nhân do những lần tăng giá xăng đơn vị này cũng không tăng giá, thậm chí phải hỗ trợ bù lỗ cho tài xế.
“Bên cạnh đó, giá cước taxi chịu tác động từ nhiều yếu tố, giá xăng chỉ chiếm 20-30% cơ cấu giá thành, vì vậy không thể giảm giá cước vào thời điểm này” - ông Hỷ nói.
|
Theo: www.cafef.vn