Cập nhật lúc:
7/23/2013 8:42:15 AM
Những biến động của kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc xét ở góc độ xuất xứ đang cho thấy hai xu hướng đáng chú ý.
Xe sang “lên đời”
Thời điểm này, có thể coi thị trường ôtô Việt Nam đã “no đủ” với sự góp mặt của hầu hết các thương hiệu ôtô phổ thông và giá thấp. Và đây dường như cũng chính là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu hạng sang và giá trị cao.
Trước khi BMW và Audi theo nhau vào Việt Nam thì thị trường ôtô hạng sang hầu như chỉ được nhắc đến với cái tên Mercedes-Benz. Đó là xét về yếu tố “chính hãng” theo cách phân biệt của Thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành hồi giữa năm 2011.
Sau khi “bộ ba anh tài” này cùng hội tụ, lần lượt các thương hiệu ôtô khác cũng đã và sắp theo nhau gia nhập thị trường. Dự kiến đến cuối năm nay, thị trường xe hơi hạng sang và giá trị cao sẽ hội tụ rất nhiều những thương hiệu hàng đầu như Rolls-Royce, Mercedes-Benz, BMW, Audi, Lexus, Porsche, Land Rover, Mini hay Bentley...
Thị trường xe sang cũng đang gần như được lấp đầy ở mọi phân khúc sản phẩm, từ cỡ lớn đến cỡ nhỏ, từ sedan đến đa dụng, thể thao...
Chỉ tính riêng trong tháng 7 cũng đã và sẽ có hàng loạt mẫu xe hạng sang mới “đổ bộ” vào thị trường như BMW Z4 sDrive Roadster, BMW 116i, 4 chiếc Mercedes A-Class, Mercedes S500L hay Volkswagen Touareg 2013.
Thực tế này lý giải phần lớn cho những thay đổi ở kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam xét theo nguồn gốc xuất xứ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì 6 tháng năm 2013, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Đức, Anh hay Pháp đều tăng lên. Trong số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đang xuất khẩu ôtô vào Việt Nam nửa đầu năm nay thì các thương hiệu xe sang đang có mặt tại Việt Nam có xuất xứ từ chính 3 quốc gia này. Riêng Lexus có xuất xứ Nhật Bản thì dự kiến cuối năm nay mới ra mắt.
Cụ thể trong 6 tháng 2013, giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Đức đạt 29 triệu USD, tăng 9 triệu USD so với cùng kỳ; từ Anh đạt xấp xỉ 2 triệu USD, tăng gần 500.000 USD; từ Pháp đạt 2,1 triệu USD, tăng gần 1,5 triệu USD.
Cũng chính vì yếu tố “sang” và giá trị cao mà mặc dù có lượng xe nhập khẩu thấp nhưng giá trị kim ngạch từ các quốc gia này lại luôn ở mức cao. Ví dụ so với Nhật Bản, lượng xe nhập khẩu từ Đức thấp hơn 259 chiếc song giá trị lại cao hơn 3 triệu USD.
Mối lo giảm thuế
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ rõ một xu hướng không thể tránh khỏi là sự áp đảo của ôtô nhập khẩu xuất xứ từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nửa đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ hầu hết các nước kể trên đều tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Trừ trường hợp cá biệt là Trung Quốc có sự giảm sút đáng kể về giá trị bởi tỷ trọng xe tải và xe chuyên dụng lớn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế mua xe phục vụ sản xuất, kinh doanh đã kéo theo sụt giảm giá trị kim ngạch chung.
Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Hàn Quốc 6 tháng 2013 đạt 8.454 chiếc và 87,5 triệu USD, tăng 2.363 chiếc về lượng và tăng gần 9,4 triệu USD so với cùng năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan đạt 3.297 chiếc và 59,8 triệu USD, tăng 988 chiếc về lượng và 18,1 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Indonesia đạt 683 chiếc và 7,7 triệu USD, tăng 144 chiếc về lượng và gần 3,4 triệu USD...
Nhưng tại sao kim ngạch nhập khẩu ôtô từ các quốc gia này lại có vai trò quan trọng?
Trên thực tế, nói là ASEAN, song đến nay mới chỉ có hai quốc gia trong khu vực xuất khẩu ôtô vào Việt Nam là Thái Lan và Indonesia. Đây cũng là hai quốc gia đang nhận được những dự án đầu tư sản xuất lớn từ các tập đoàn ôtô thế giới. Và theo cam kết AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm nhanh và về mức 0% vào năm 2018.
Còn với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, đây chính là 3 quốc gia đã ký các hiệp định thương mại với ASEAN. Theo đó, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 3 quốc gia này vào ASEAN và ngược lại cũng sẽ tăng tốc và đến năm 2018 về mức thấp nhất 5%, nhỉnh hơn mức nội bộ khối ASEAN không đáng kể.
Trong khi đó, ôtô nhập khẩu từ các quốc gia khác đang cho thấy xu hướng chậm lại. Thực tế này cũng lý giải tại sao xuất xứ của ôtô nhập khẩu đang ngày càng thu hẹp và tập trung vào một số quốc gia nhất định. Ngoài các thương hiệu ôtô hạng sang hoặc ít thông dụng chỉ được sản xuất tại một số nơi như Rolls-Royce, Land Rover, BMW, Audi... thì hầu hết các thương hiệu khác đều đang được sản xuất tại 5 quốc gia kể trên.
Rõ ràng đây là một xu hướng tất yếu và rất đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Theo An Nhi
vneconomy