Ngoài lý do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hầu hết các thị trường lúa gạo khác của Việt Nam đều đang khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 200.000 tấn, giá trị 90 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm ước đạt 526.000 tấn và 243 triệu USD, giảm 33,1% về khối lượng và giảm 34,0% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là mức giảm mạnh nhất trong suốt hơn một năm qua. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng một đạt 470,5 USD một tấn, giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2014.
Chia sẻ với VnExpress.net, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở TP HCM thừa nhận, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm còn ảm đảm, các hợp đồng xuất khẩu mới thì manh mún, nhỏ lẻ và đa phần đã ký từ 2014.
“Mặt khác, trên thực tế, các hợp đồng đã ký năm 2014 cũng không tăng so với cùng kỳ năm cũ nên ít giá trị giao dịch được chuyển sang 2015 như tiền lệ các năm trước. Một số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng vơi dần”, lãnh đạo công ty trên cho hay.
|
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khi Trung Quốc siết chặt thu mua.
|
Vị này cũng lý giải, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nếu đầu năm ngoái công ty có 1-2 đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc thì tới nay vẫn chưa ký được hợp đồng nào. Sắp tới, Trung Quốc cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar nên có thể xuất khẩu gạo 2015 sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Trong khi đó, những doanh nghiệp có thị trường nhập khẩu tập trung chịu ít ảnh hưởng hơn.
Ông Nguyễn Thọ Trí - Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, Vinafood 2 xuất khẩu sang các thị trường tập trung nhiều hơn nên sức tiêu thụ không bị ảnh hưởng. Đầu năm, công ty mới ký một hợp đồng xuất khẩu bán 300.000 tấn gạo cho Philippines, ngoài ra, còn cung cấp thêm cho Malaysia 30.000 tấn nên hoạt động xuất khẩu vẫn ổn định.
Tuy nhiên, nhận định chung về thị trường, ông Trí cũng cho rằng, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá nhiều từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt, việc xuất khẩu gạo ngoài biên giới đang bị ngưng trệ.
Còn tại Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, đơn vị này cũng cho biết, tháng 1/2015 xuất khẩu được 4.593 tấn gạo, giảm 18,7% so với tháng 12/2014.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng thừa nhận, hiện nay tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm còn khó khăn.
Theo ông Huệ, nguyên nhân sụt giảm là do thị trường cạnh tranh gay gắt, nhu cầu của các nước trong khu vực giảm, lượng hợp đồng từ năm ngoái gối đầu sang đầu năm nay khá thấp. Đáng chú ý hơn, năm nay thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam là Trung Quốc đang tạm ngưng thu mua nên số lượng hợp đồng tại các doanh nghiệp giảm mạnh. Cho tới nay, Trung Quốc cũng chưa phân bổ hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch nên khó có thể biết được thị trường này sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.
“Mặc dù đã đến đầu tháng 3 nhưng các đơn đặt hàng vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng nên có thể quý I năm nay lượng hàng xuất khẩu sẽ không đạt được như kỳ vọng đặt ra hồi đầu năm”, ông Huệ nói.
Tổng thư ký VFA cũng cho biết thêm, hiện ngoài thị trường chủ đạo là Trung Quốc thì tất cả các thị trường xuất khẩu gạo khác của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì điều chỉnh thị trường ở mức hợp lý và bảo vệ lợi ích của nông dân một cách tối đa nhất. Hiện vẫn có những doanh nghiệp duy trì quan hệ và có đơn hàng tốt với khách hàng”, ông Huệ nói thêm.
Năm 2015, theo dự báo của VFA, thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chính thức từ nhiều nguồn cung với giá thấp nên dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm tới. Khu vực châu Phi vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng năm 2014, Việt Nam mất thị phần đến 60% do cạnh tranh của gạo Thái Lan và Ấn Độ. Cho nên, năm 2015, Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này do lợi thế bán tồn kho chính phủ và giá cạnh tranh. Việt Nam vẫn duy trì thị phần chủ yếu là gạo thơm và đặc sản.
Để việc giảm áp lực về tiêu thụ, ổn định thị trường cũng như tạo điều kiện thu mua lúa gạo cho nông dân đảm bảo lợi nhuận tối thiểu trong thời gian tới, hồi đầu tháng 2, sau đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã ra Quyết định mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014 - 2015 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời hạn mua tạm trữ từ 1/3 đến 15/4/2015. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết 31/8/2015. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết 30/6/2015. VFA tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa lúa, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua tạm trữ, đồng thời phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ lúa, gạo…
Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, trị giá theo FOB là 2,840 tỷ USD, trị giá CIF 2,990 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn gạo, chiếm 32%; Philippiness 1,4 triệu tấn gạo (21%); châu Phi 800.000 tấn gạo (12%), Malaysia 450.000 tấn gạo; Cu Ba 300.000 tấn gạo và các thị trường khác khoảng 1,1 triệu tấn gạo. |
Hồng Châu - Hương Thu