“Nô nức” vượt biên buôn lậu
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 747
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8881341
 

 
 

Cập nhật lúc: 8/4/2013 11:27:44 AM
Cuối tuần, cánh buôn lậu đổ xô sang Campuchia để mua hàng nhiều vô kể. ''Cò'' đưa người sang biên giới rồi đưa hàng lậu về Việt Nam cũng hoạt động rầm rộ. Hàng lậu tập kết phía trong những gian hàng này.
Hàng lậu tập kết phía trong những gian hàng này.
Tại cửa khẩu Bavet  (Mộc Bài - Tây Ninh), chỉ cần bỏ ra từ 350 ngàn đến 1,5 triệu đồng sẽ được ''cò'' đưa đi, về. Giá này bao gồm cả người và hàng. 

"Cò" đưa người vượt biên “đi hàng”

Qua ông bạn người Việt sống nhiều năm ở Campuchia, tôi có gần chục số điện thoại của ''cò'' đưa người sang biên giới đánh bạc và đi hàng lậu. Tôi chọn ngẫu nhiên một số để gọi sau khi xuống xe buýt tuyến Bến Thành - Mộc Bài. Đầu dây bên kia, giọng người phụ nữ còn ngái ngủ: “Ai đó?”. Tôi đáp ngay: “Em muốn qua bên kia mua ít hàng, chị giúp em nhé”. Người nghe máy vặn lại: “Sao biết số điện thoại của tôi?”. Tôi nói đại: “Người của chị đưa em sang đó mấy lần rồi mà”. 

Nghe vậy, bà ta hỏi dồn không chút nghi ngờ: “Đi mấy người, chừng nào về?”. Tôi chưa kịp trả lời, bà ra giá: “300 ngàn đồng/người/lượt. Khi về, tùy vào số hàng mà phải chi từ 500.000 đến 700.000 đồng”. Tôi thắc mắc: “Sao cao vậy?”. Bà ta đáp: “Bây giờ mấy ổng (tức công an kinh tế và lực lượng an ninh cửa khẩu) gác gắt lắm, giá đó là hữu nghị lắm rồi”.

Tôi đồng ý sang bên kia biên giới với giá ấy. Bà ta hướng dẫn tôi di chuyển sang bên phải, đứng sát mép đường cách cửa khẩu chừng 300 mét về hướng ngược lại. Bà còn dặn: “Đứa nào có hỏi thì nói đang đón xe buýt về thành phố. 5 phút nữa có người đến đón”.

Đứng đợi chỉ vài phút mà đã có không dưới chục “cò” từ các hướng ghé vào đặt vấn đề đưa sang biên giới mua hàng. Tôi không trả lời như lời của bà ta mà cố tình nói khác để xem sao: “Có người đến đón rồi”. Tay ''cò'' hỏi lại: “Ông anh đi xe của ai?”.

Tôi chìa số điện thoại ra, mấy ''cò'' chụm lại, một tên nói: “Số này của con mẹ Thúy. Đi xe tụi này không phải qua trung gian nên giá mềm”. “Mềm là bao nhiêu?”. “Con mẹ Thúy lấy anh bao nhiêu?”- tên “cò” hỏi ngược. Tôi nói giá mà bà Thúy đưa ra, một “cò” lè lưỡi, nhún vai: “Cao hơn tụi này nhiều rồi. Thằng em chỉ lấy ông anh 400.000 đồng cho hai lượt, khi nào về mới lấy tiền, nếu có hàng chừng 1-2 giỏ thì cũng chỉ có 500.000 đồng”. 

Tôi đóng mặt khờ, ra bộ tiếc rẻ vì đã lỡ hứa với bà Thúy. Tiếng pô xe rền vang mỗi lúc một to. Từ xa, một thanh niên điều khiển chiếc Citi màu nho vừa rẽ vào, nẹt pô đinh tai. Tấp xe vào chỗ tôi, hắn hất hàm hỏi: “Qua bển phải không?”. Đúng là chiếc xe, màu áo, hình dáng như bà Thúy thông tin.

Nhìn hình xăm vằn vện trên cổ tay của anh ta khiến tôi không khỏi ái ngại. Hắn ta giục: “Lên xe đi, nhanh chứ tới giờ tụi nó gác”. Người thanh niên có tên Thắng đưa tôi đi ngược về hướng Trảng Bàng khoảng 1,5km rồi rẽ vào một khu dân cư khá thưa thớt, qua hết dãy nhà, tay cầm lái, tay gọi điện thoại cho ai đó để hỏi thăm tình hình. Cứ đến đoạn ngã ba, ngã tư là hắn lại giảm ga để quan sát, rồi phóng như bay khiến tôi luôn ở trong thế nhoài tới, phăng lui. 

 

“Nô nức” vượt biên buôn lậu (1)

 

Đường mòn băng đồng sang bên kia biên giới Campuchia 

 

Trạm kiểm soát: Chuyện nhỏ

Trước mặt chúng tôi là trạm gác của an ninh kinh tế. Thắng nép xe vào sát bụi rậm phía sau chuồng bò của nhà dân (thuộc tỉnh Svay Riêng) và gọi điện. Thắng hỏi: ''Qua được chưa?''. Chẳng biết đầu dây bên kia trả lời thế nào mà Thắng luôn miệng chửi thề: “Đ.M. Kiểu này chỉ có nước ăn cám”. Thắng rít, nhả khói thuốc liên hồi. Mùi phân bò hắc lên nồng nặc đến ngạt thở. Thắng điềm tĩnh, trấn an tôi: “Anh yên tâm đi, qua liền bây giờ. Dạo này công an kinh tế siết buôn lậu dữ lắm”.

Ném thuốc lá hút dở, Thắng di chuyển hướng về cánh đồng trống mênh mông. Đến khúc rẽ vào xóm nhà, Thắng phóng xe vèo vèo. Thấy hai người phụ nữ đang đi xe máy ngược chiều với hai bao hàng cồng kềnh, Thắng ra ám hiệu, ý hỏi phía trước có người gác không? Người phụ nữ ngồi sau nói lớn át tiếng gió: “Hai thằng mới rẽ vào chốt biên phòng”. Mọi lo lắng như được xua tan, Thắng tiếp tục nhấn ga theo con đường mòn giữa cánh đồng sắn (mì) vừa thu hoạch. 

Phát hiện công an đi từ phía sau, ngay lập tức Thắng cho xe xuống ruộng chạy ngược lại. Tim tôi cũng muốn rớt ra khỏi lồng ngực bởi ''tay lái lụa'' cưỡi trên những mô đất nhấp nhô gợn sóng. Chạy một đoạn khá xa, Thắng ngoái đầu lại nhìn. Dù đã mất dấu công an, nhưng anh ta chưa thật sự yên tâm. Thắng chở tôi đến một quán càphê nằm giữa cánh đồng không một bóng cây. Tại đây còn có hơn chục tay xe ôm đang chờ đưa khách sang biên giới.

Người đàn ông đi cùng hai phụ nữ trẻ ngồi trong quán bắt chuyện với tôi: “Ông đi đánh bài hay đi hàng?” (đi hàng là tiếng lóng của dân buôn lậu). “Đi hàng”- tôi trả lời. Nghe vậy, người phụ nữ to béo thở dài: “Giờ này còn ở đây, biết chừng nào mới qua được bên đó”. Một tên “cò” có vẻ vì bực bội cái miệng lèm bèm của mụ ta, nói như quát: “Tôi không đưa anh chị qua được bên đó, tôi không lấy tiền, được chưa?”. 

 

 

 
“Nô nức” vượt biên buôn lậu (2)

 

Hàng lậu dễ dàng qua những trạm gác như thế này

Chuyến vượt biên “đi hàng” của chúng tôi lúc này có cả thảy 14 người trên 6 chiếc xe máy. Phát hiện có lực lượng biên phòng đang đi ngược chiều, Thắng vẫn tỉnh bơ. Đến chòi lá nhỏ nằm ven đường, Thắng chạy chậm, nói với người đang nằm võng: “Qua trạm”. Người được báo cáo gật đầu, chẳng hé miệng. Lần lượt các xe phía sau cũng thế. Ngoái lại nhìn, thấy người đàn ông vừa nhìn theo vừa cầm cục gạch kẻ dưới đất. Thắng nói: “Lính biên phòng thì không sợ, chỉ ngán công an kinh tế. “Qua trạm” là hình thức báo cáo số chuyến qua lại để cuối ngày tính chung chi”. “Ai chung?” - tôi hỏi. “Bà chủ”.

“Tôi thấy ông ta gạch dưới nền đất, để làm gì?”. Thắng đáp: “Gạch số chuyến đó mà”. Thắng còn cho biết, mỗi chuyến (đi, về) anh chỉ được chủ trả từ 80-100 ngàn đồng. “Ừ, thấp quá”, tôi nói như để an ủi hắn. Như có người hiểu và cảm thông, hắn được nước, vòi thêm: “Có gì chiều anh bồi dưỡng thằng em chút ít nha”. 

Qua được địa phận tỉnh Svay Riêng, phía sau đống củi khô to tướng là hàng chục chuyến xe chất đầy hàng đang chờ băng đồng. Phía con đường đất nằm phía sau sòng bài Win còn có ngần ấy chuyến hàng đang đợi “cò” ngã giá “làm thủ tục” và chờ “cò” sang đưa về. Tôi yêu cầu Thắng bỏ tôi phía trước sòng bài Win, hẹn đầu giờ chiều sang đón. Theo chỉ dẫn của Thắng, tôi men theo con đường đất sang điểm tập kết hàng lậu cách quốc lộ khá xa. Đến nơi, tôi đã thấy những con buôn lúc sáng bị kẹt lại ở quán càphê bên kia biên giới cũng đã có mặt. Hàng chục cặp mắt tò mò chĩa về phía tôi. 

Đoạn tôi bắt chuyện với người phụ nữ to béo có tên Phượng đã gặp lúc sáng một cách cởi mở thì mọi người mới thôi “quan tâm đặc biệt”. Hàng từ Campuchia đưa về đa phần là rượu, thuốc lá và phụ tùng xe máy. 

Tôi hỏi chị Phượng: “Đi nhiều chuyến đã quen, sao không tự túc mà phải nhờ “cò”?”. Chị Phượng nói khẽ: “Qua “cò” mình mất khoản tiền khá lớn nhưng yên tâm, không bị mất hàng”. “Thế đã bị bắt bao giờ?”. “Không bị bắt thì dại gì bỏ tiền “cò”, chị ta không thể nhỏ nhẹ trước câu hỏi hơi bị thừa của tôi. Một con buôn chuyên mặt hàng phụ tùng xe máy có tên Tuấn ở Hóc Môn thì e ngại: “Có khi mình không qua “cò”, tụi nó biết đâm chọt cũng chết, thôi thì nhờ tụi nó cho chắc”. 

Theo “cò” Thắng, trước các tay buôn lậu phải về Siêm Riệp để lấy hàng, nhưng nay hàng đã được tập kết ở gần cửa khẩu. Giá đưa hàng về Việt Nam dao động từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng. Một con buôn đi cùng Tuấn ''bật mí'': “Khi bị chặn lại, các tay “cò” nhận đó hàng của họ. Sau đó, chủ hàng phải trả thêm cho “cò” từ 200-300 ngàn để gọi là tiền chung cho trạm”. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ đã có gần 50 chuyến hàng lậu trót lọt qua biên giới. Tuy nhiên, theo các “cò”, con số này sẽ tăng gấp 3 lần về đêm.

Theo Hương Huyền

Báo lao động

 
Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che