Hiệp hội vàng 'cầu cứu' Thủ tướng
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 421
Hôm qua: 3645
Tổng số: 8695117
 

 
 

Cập nhật lúc: 6/30/2016 8:44:24 AM

Cho rằng việc bị hạn chế cho vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam vừa có công văn kiến nghị gửi tới Thủ tướng.

Trong công văn gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội vàng Việt Nam cho biết, theo Thông tư 33 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội vàng, trong hơn 4 năm qua chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

hiep-hoi-vang-cau-cuu-thu-tuong

Các doanh nghiệp nữ trang gặp khó vì bị hạn chế tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh: Anh Quân.

Hiệp hội cho rằng, trên thực tế thì vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện. Nếu Ngân hàng Nhà nước hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.

Hơn nữa, theo quy định của Luật đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, nếu những văn bản cấp Thông tư không được nâng cấp lên thành Nghị định, thì sau ngày 1/7/2016 sẽ hết hiệu lực thi hành.

"Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định tại Thông tư 33 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng", văn bản nêu.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu, Hiệp hội cho biết việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khi giá vàng nội cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Do đó, Hiệp hội đề nghị cho những doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với nhà quản lý.

Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP HCM, hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của thành phố lâm vào bế tắc do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó là các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khi phải thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi nên hoạt động khá bấp bênh.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, sản xuất - kinh doanh nữ trang là ngành nghề truyền thống của thành phố, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cả xuất khẩu ra thế giới. Đây là ngành mang lại hiệu quả lớn và nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Minh cho biết, cơ quan này đã thu thập thông tin liên quan và cũng đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước để xem xét tháo gỡ cho các doanh nghiệp. "Hơn nữa, nếu không tháo gỡ kịp thời nguồn vàng nguyên liệu dễ tạo cơ hội cho vàng nhập lậu bùng phát", ông Minh chia sẻ.

Riêng việc huy động vàng đối với doanh nghiệp, Hiệp hội cho rằng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định vấn đề này. Hơn nữa, Thông tư 11 chỉ chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Hoạt động trên cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24 bởi các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại, không thu phí giữ hộ.

Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24. Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, công văn của Hiệp hội vàng Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết, tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho như quy định cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; không cần xin phép kinh doanh vàng miếng đối với các chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh trực thuộc công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh; bỏ quy định cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, mà chỉ quy định các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này...

Lệ Chi

Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che